20 năm bảo vệ Di sản Nhã nhạc nhìn từ tiêu chí Công ước 2003

VHO- Năm 2002 Nhã nhạc đã được đề cử, năm 2003 được ghi vào Danh sách Kiệt tác di sản văn hoá truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Cùng dịp đó, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể - một văn kiện pháp lý quốc tế có ý nghĩa đối với văn hoá toàn cầu.

Sự cam kết mạnh mẽ của quốc gia và những kết quả của chương trình hành động bảo vệ Nhã nhạc theo Luật Di sản văn hoá trong 3 năm đầu tiên đã khẳng định uy tín của Việt Nam với các quốc gia thành viên UNESCO. Tại Đại hội đồng về Công ước họp tại Paris năm 2006, Việt Nam đã trúng cử Uỷ ban liên Chính phủ nhiệm kỳ đầu tiên (2006-2010). Thành tựu và bài học kinh nghiệm bảo vệ Nhã nhạc đã có ảnh hưởng tích cực, thúc đẩy việc đề cử thành công các di sản tiếp theo: Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương...

20 năm bảo vệ Di sản Nhã nhạc nhìn từ tiêu chí Công ước 2003 - Anh 1

Chuyến công diễn đầu tiên của Nhã nhạc sau khi di sản được vinh danh vào năm 2004 tại trụ sở UNESCO ở Paris. Ảnh: T.L

Sau 5 năm thực hiện chương trình hành động bảo vệ khẩn cấp (2003-2008), Nhã nhạc được chuyển sang Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2008). Đó là thời điểm mà di sản đã được nhận diện đầy đủ hơn và có sức sống hơn. 5 năm tiếp theo là chuỗi những hoạt động lớn về nghiên cứu, tư liệu hoá, phục hồi và truyền dạy để đảm bảo rằng Nhã nhạc đang được bảo vệ bởi nhà nước và thực hành bởi cộng đồng. Từ 2013 - 2023: với những khó khăn về biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh và suy thoái kinh tế, hoạt động bảo vệ Nhã nhạc trở nên khó khăn hơn nhiều. Thích ứng với hoàn cảnh điều kiện, quyết tâm bảo vệ di sản của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã một lần nữa khẳng định con đường phát triển Nhã nhạc trong đời sống đương đại. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững thông qua giáo dục di sản nghệ thuật được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khởi xướng và thực hiện trong những năm gần đây là thành tích không nhỏ góp phần vào kết quả 20 năm bảo vệ Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn.

Từ góc nhìn quản lý văn hoá, bài viết sẽ đánh giá những kết quả này trên cơ sở tham chiếu các tiêu chí của UNESCO.

2003: Di sản được ghi danh, chương trình hành động 5 năm

Có thể nói rằng Nhã Nhạc đã được ưu tiên lựa chọn là di sản đầu tiên đề cử vào danh sách của UNESCO bởi vì cùng lúc đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng đó là “đại diện” và“khẩn cấp”.

Từng là một loại hình nghệ thuật trình diễn nổi tiếng của cung đình không chỉ thế Nhã nhạc còn là hồn cốt của các nghi lễ, tập quán và lễ hội của Triều Nguyễn. Trong Nhã nhạc còn nhìn thấy những thành tố được chắt lọc từ văn hoá của người Việt, tạo thành bản sắc và tính đại diện. Sự mai một của Nhã nhạc bắt đầu từ năm 1945 sau khi thể chế nhà nước thay đổi, không gian thực hành không còn nữa và chủ thể văn hoá phải chia tay với nghề kiếm nghề khác mưu sinh. Nhã nhạc càng mai một nhanh hơn bởi gần 30 năm chiến tranh và vài chục năm phục hồi kinh tế đất nước.

Đến cuối thế kỷ XX, cùng với sự đổi mới toàn diện của đất nước, công tác nghiên cứu về Nhã nhạc trở lại với sự cố gắng lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế (Nhật Bản), đặc biệt là sự nỗ lực, tầm nhìn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhã nhạc đã có một chốn để về và dần hồi sinh. Đó là sự phục hồi và tái thiết lập của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Việc lập hồ sơ đề cử Nhã nhạc vào Chương trình Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại của UNESCO là một chính sách cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ Nhã nhạc nói riêng và với các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của Việt Nam nói chung.

20 năm qua, 14 di sản văn hoá phi vật thể lần lượt được ghi vào các danh sách của UNESCO. Sự khởi đầu của Nhã nhạc thật may mắn, hữu duyên và bền vững. Từ 2003 – 2008 các dự án về Nhã nhạc tập trung vào truyền dạy, phục hồi thực hành của cộng đồng chủ thể và cấp tốc đào tạo thế hệ kế cận đồng thời đồng thời thiết lập không gian, môi trường mới cho trình diễn. Đây là nhóm giải pháp quan trọng nhất, căn cơ nhất mà Công ước 2003 yêu cầu. Bên cạnh đó “vai trò của cộng đồng” là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả của nhóm giải pháp này. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức trực thuộc là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã làm rất tốt các chương trình này với nhiệm vụ của thiết chế quản lý bảo vệ di sản.

20 năm bảo vệ Di sản Nhã nhạc nhìn từ tiêu chí Công ước 2003 - Anh 2

Đoàn cán bộ văn hóa của Việt Nam và nghệ sĩ, nghệ nhân Nhã nhạc tại trụ sở UNESCO năm 2004. Ảnh: TL

2008: Hết “khẩn cấp”, chuyển thành Di sản đại diện

Năm 2008 tại Hội nghị của Uỷ ban Liên Chính phủ họp tại Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhã nhạc được tái ghi danh và chuyển sang danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Bản chất của danh hiệu này là ghi nhận giá trị bản sắc, đại diện di sản của mỗi quốc gia để góp phần vào bức tranh đa dạng văn hoá chung của nhân loại. Sau 5 năm từ 2008 – 2013 Nhã nhạc đã có thêm những bước tiến mới trong quá trình bảo vệ với sự vững vàng của thế hệ nghệ nhân kế cận, lớp nhạc công trẻ được trao truyền cấp tốc qua một số dự án đặc biệt có sự hỗ trợ của UNESCO.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đặt vấn đề tư liệu hoá, phục hồi một số bài bản Nhã Nhạc là trọng tâm. Với một chế độ đặc cách chăm sóc, phát huy hai “Báu vật nhân văn sống” là các nghệ nhân Lữ Hữu Thi và Trần Kích, hai nhạc công cuối cùng của Nhã nhạc thời nhà Nguyễn đã kịp trao truyền bài bản lại cho thế hệ kế tiếp trước khi ra đi. Truyền nghề, truyền ngón cấp tốc cho con cháu, cho lớp trẻ là việc của nghệ nhân còn sử dụng các nhạc công trẻ, cho họ cơ hội để thực hành để sống được bằng nghề là việc của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, việc của nhà nước. Truyền dạy là một trong những giải pháp bảo vệ quan trọng đáp ứng yêu cầu “phát triển bền vững”. Tiêu chí bao trùm mọi tiêu chí.

2013: Tái sáng tạo và tiếp cận công chúng

Vấn đề khó khăn nhất của mọi di sản nghệ thuật trình diễn đó là phát triển công chúng. Với Nhã nhạc, điều đó còn khó hơn nhiều bởi vì loại hình nghệ thuật  này ít công chúng tiềm năng hơn các nghệ thuật trình diễn dân gian khác. Việc đưa Nhã nhạc vào cuộc sống được đặt ra như một mục tiêu chiến lược và được thực hiện bền bỉ trong 20 năm qua.

20 năm bảo vệ Di sản Nhã nhạc nhìn từ tiêu chí Công ước 2003 - Anh 3

Chương trình biểu diễn Nhã nhạc tại di tích nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế. Ảnh: S.Thùy

Với rất nhiều thử nghiệm, có cả không thành công cuối cùng thì bài toán Nhã nhạc cũng đã giải quyết được với tiêu chí “tái sáng tạo” để di sản được sống trong xã hội hiện đại. Nhã nhạc cùng với Tuồng Cung đình, Múa Cung đình, Ca Huế và một số nghệ thuật trình diễn khác đã được tích hợp một cách nhuần nhuyễn, năng động tìm đến công chúng, không gian khác để giới thiệu, quảng bá, truyền thông và hy vọng thấm dần rồi một ngày nào đó trở thành thị hiếu và nhu cầu của công chúng.

Di sản văn hoá phi vật thể là sự sống, luôn phát triển. Tái sáng tạo” dựa trên những giá trị cốt lõi là nguyên tắc đồng thời là chìa khoá để mở lối đi thành công trên con đường bảo vệ di sản. Nhã nhạc đang đi trên con đường ấy. Bản sắc, sáng tạocảm xúc phải chăng đó là những từ khoá là mục tiêu mà Nhã nhạc đang hướng tới?

 2023: Vì sự phát triển bền vững

Có thể nói rằng trong số các Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh Nhã nhạc xuất ngoại nhiều nhất. Có cơ hội là lên đường, có cơ hội là phát triển. Tên tuổi của các nghệ sĩ, nghệ nhân còn được nhắc mãi trong những chuyến lưu diễn đặc biệt cùng GS.TS. Trần Văn Khê từ cách đây gần 20 năm, cùng bạn bè Hàn Quốc, Nhật Bản. Hội nhập để tự giới thiệu mình, để chia sẻ sự đa dạng về văn hoá và hợp tác để phát triển. Triết lý cao cả từ Công ước 2003 mà Việt Nam là quốc gia thành viên tích cực đã và đang được đi vào cuộc sống với trường hợp của Nhã Nhạc trong suốt 20 năm qua.

20 năm bảo vệ Di sản Nhã nhạc nhìn từ tiêu chí Công ước 2003 - Anh 4

Nhã nhạc đã được tích hợp một cách nhuần nhuyễn cùng với nghệ thuật Tuồng Cung đình, Múa Cung đình,... Ảnh: S.Thùy

Nhã nhạc sắp tới có gì?  Tiêu chí gì để đánh giá tương lai? Nhìn vào báo cáo công tác 2021, 2022, kế hoạch 2023 của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, một tầm nhìn UNESCO đang được thực thi đó là “di sản văn hoá phi vật thể được tích hợp vào giáo dục tiểu học và trung học cơ sở”. Đây là một trọng trách, một nhiệm vụ chiến lược mà việc triển khai đòi hỏi công tác nghiên cứu sâu, có chuyên môn về bảo tàng học, giáo dục di sản; cần đầu tư cơ bản; cần sự hợp tác chặt chẽ với ngành giáo dục. Công việc này không chỉ là những sự kiện nổi bật mà là cả một quá trình bền bỉ, công phu và nhiều thách thức. Tuy nhiên nguồn nhân lực cho di sản là yếu tố quyết định mọi thành công. “Thành phố di sản” hay “thành phố sáng tạo”? “Di sản văn hoá” và “công nghiệp văn hoá”. Tất cả đều bắt nguồn từ đây.

30 năm Di sản thế giới Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993-2023) và 20 năm Nhã nhạc (2003-2023). Nhìn lại một chặng đường dài, thêm yêu di sản, yêu Huế và yêu con người nơi đây.

TS. LÊ THỊ MINH LÝ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Ý kiến bạn đọc