Nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản quý báu của Cố đô lịch sử

VHO-Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh từ năm 1993. Suốt 30 năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế đã được Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng, góp phần vào sự phát triển của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản quý báu của Cố đô lịch sử - Anh 1

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Thạnh

Hàng trăm công trình di tích quan trọng đã được tu bổ, phục hồi

Nhớ lại sự kiện 30 năm trước, khi UNESCO vinh danh Quần thể Di tích Cố đô Huế, ông Thái Công Nguyên- nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), kể rằng: Đầu năm 1990, chúng tôi mới tiếp cận được các tài liệu của quốc tế, lúc đó mới hoạch định việc lập hồ sơ cho di sản Huế. Trong một cuộc làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã đề nghị cho phép được lập hồ sơ và Thủ tướng đã đồng ý. Căn cứ vào Công ước UNESCO 1972 mà Việt Nam đã tham gia, chúng tôi đã lập hồ sơ cho Quần thể Di tích Cố đô Huế. Quá trình xây dựng hồ sơ, UNESCO đã cử nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến Huế để khảo sát, thẩm định và góp ý, hướng dẫn nên hồ sơ được hoàn chỉnh sau hơn 2 năm. Và đến năm 1993, UNESCO đã vinh danh Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới ngay lần đầu tiên đệ trình hồ sơ. Đây cũng là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn, có tính pháp lý quốc tế, di sản Huế trở thành tài sản văn hóa của nhân loại, cho nên Chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế, đặc biệt là UNESCO đã hỗ trợ cho Huế rất nhiều về công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn tu bổ… UNESCO đã cử nhiều chuyên gia đến Huế, từ chuyên gia về kiến trúc gỗ, về gạch ngói, hạ tầng, cảnh quan… cùng với các chuyên gia của Việt Nam đã góp phần gìn giữ di sản cho Huế.

“Di sản Huế từ thời kỳ cứu nguy khẩn cấp sang thời kỳ ổn định và phát triển như hôm nay là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, của đội ngũ cán bộ TTBTDTCĐ Huế và sự giúp đỡ của Bộ VHTTDL và các Bộ ngành trung ương và các tổ chức quốc tế…”- ông Thái Công Nguyên nhấn mạnh.

Nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản quý báu của Cố đô lịch sử - Anh 2

Điện Kiến Trung được tu bổ, phục hồi sẽ là điểm nhấn cho khu di sản Hoàng cung Huế

Theo tài liệu đánh giá hệ thống di tích Huế vào năm 1990, Quần thể Di tích  Cố đô Huế lúc hoàn chỉnh nhất có hơn cả nghìn công trình kiến trúc nhưng sau khi đất nước thống nhất, hầu hết các công trình đã bị hư hại, hoang phế. Trong đó, có 460 công trình đã bị phá hủy hoàn toàn; có đến 80% hạng mục công trình thuộc diện cần phải tu bổ cấp thiết, hàng trăm công trình đã trở thành phế tích.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh công cuộc bảo tồn và tu bổ các di tích và cụ thể hóa bởi các kế hoạch dài hạn. Gồm, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996-2010, với tổng mức đầu tư 720 tỉ đồng để bảo quản, trùng tu, phục hồi hơn 80 hạng mục công trình chủ yếu. Tiếp đó, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010- 2020, với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng để tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 171 công trình, hạng mục công trình…

Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh (Đại Nội Huế); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, Điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định),... và hiện đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long…

Nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản quý báu của Cố đô lịch sử - Anh 3

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác trong một lần thăm đội ngũ thi công trùng tu di tích Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế

Đặc biệt, cùng với khung chính sách đặc biệt của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh triển khai đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh Thành Huế” (thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế). Sau khi hoàn thành việc di dời hơn 4.200 hộ dân, di tích Kinh thành Huế cùng các điểm di tích như Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ… sẽ được trả lại nguyên trạng để bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên, ông Christian Manhart- Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã nhấn mạnh rằng: Trong 30 năm được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia như: Nhật Bản, Đức, Pháp… Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Huế. Qua đó, nhiều công trình di tích đã được phục hồi thành công, và công tác này vẫn đang tiếp tục được duy trì và triển khai hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội cho Huế trong tương lai.

Quy hoạch và xây dựng chiến lược cho sự phát triển bền vững

Hiện nay, ngoài các công trình đang thi công, một số dự án cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Quốc Tử Giám, Thái Miếu, Phủ Nội Vụ, Điện Cần Chánh, Đại Cung Môn, Văn Miếu, cùng một số hạng mục công trình ở lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức,…

Sau 30 năm kể từ khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di sản Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào. Di sản văn hoá Huế đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung.

Nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản quý báu của Cố đô lịch sử - Anh 4

Du khách tham quan khu vực Trường Lang, Tử Cấm Thành, Đại Nội Huế

Tuy nhiên, hiện nay công cuộc bảo tồn di tích ở Huế cũng đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Phải mất quá trình dài cho việc nghiên cứu nguồn tư liệu phục vụ để lên kế hoạch và xây dựng phương án trùng tu các di tích, trong đó nhiều tư liệu đang ở nước ngoài.

Theo ông Phan Văn Tuấn, hệ thống công trình di tích Huế với kết cấu chủ yếu là khung gỗ và đá, gạch cổ, trong đó có đến hơn 90% công trình di tích là kiến trúc gỗ đặc trưng. Nhiều công trình cần cấu kiện gỗ có kích thước lớn, trong khi thực trạng nguồn vật liệu gỗ ngày càng khan hiếm bởi hạn chế trong khai thác rừng, kể cả trong nước lẫn quốc tế. Gỗ phục vụ cho trùng tu di tích Huế là loại gỗ nhóm 2 (lim, kiềng), nên để triển khai một dự án thường phải có sự chuẩn bị chu đáo nguồn vật liệu này từ thời gian rất sớm trước đó. Cùng với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Huế, các công trình di tích cũng đối diện với ẩm mốc, mối mọt và ăn mòn các kết cấu gỗ. Chính vì thế, chúng tôi rất quan tâm, phối hợp các đơn vị có giải pháp kỹ lưỡng để xử lý triệt để.

“Lực lượng nghệ nhân tham gia công tác bảo tồn, tu bổ di tích đòi hỏi có trình độ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu cao về kỹ thuật và nghệ thuật trang trí cũng là vấn đề thách thức hiện nay. Chính vì thế song song với công tác bảo tồn, trung tâm luôn chú trọng công tác hỗ trợ đào tạo để nâng cao tay nghề cho đội ngũ thi công”- đại diện TTBTDTCĐ Huế chia sẻ.

Theo ông Tuấn, để đảm bảo kế hoạch lâu dài cho công cuộc bảo tồn và trùng tu di tích Huế, Trung tâm đã có đề án trình lên cơ quan chức năng nhằm hình thành việc trồng khu rừng để chuẩn bị nguồn vật liệu gỗ trong thời gian 50-60 năm tới. Thời gian qua, tranh thủ khi nước bạn chưa đóng cửa, chúng tôi cũng đã thu mua nguồn gỗ để có được một cơ sở vật liệu cần thiết cho các dự án sắp triển khai.

Đối với các loại ngói đạt chuẩn như: thanh lưu ly, hoàng lưu ly, ngói tráng men chuyên dùng cho di tích, TTBTDTCĐ Huế đã có nghiên cứu và sản xuất thực tiễn, phối hợp với các đơn vị ở Bát Tràng và cơ sở sản xuất vật liệu gốm sứ sản xuất thành công. Hiện nay tại TP.Huế đã có một cơ sở sản xuất các loại ngói này, đảm bảo chất lượng cũng như hình thức thẩm mỹ, màu sắc trong công tác bảo tồn di tích.

Nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản quý báu của Cố đô lịch sử - Anh 5

Du khách tham quan và check-in tại di tích Ngọ Môn Huế

PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Mô hình trùng tu kiến trúc gỗ của TTBTDTCĐ Huế được thành lập rất sớm và đã có những đóng góp không chỉ cho Việt Nam mà để lại những bài học kinh nghiệm về bảo tồn kiến trúc gỗ rất điển hình cho cả khu vực Đông Nam Á. Trong tương lai, nếu hoạt động tốt, TTBTDTCĐ Huế sẽ là nơi đào tạo thực địa cho các kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn kiến trúc gỗ ở khu vực Đông Nam Á. Đó là đóng góp của Di sản văn hóa Huế cho UNESCO sau khi được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Hiện nay, TTBTDTCĐ Huế đang triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050, dự kiến trình Bộ VHTTDL thẩm định và Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9.2023. Quy hoạch này làm cơ sở định hướng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị cũng như sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại trong thời gian qua; đặc biệt sẽ có sự điều chỉnh lại khu vực bảo vệ di tích, nhằm tạo ổn định cho người dân sống trong vùng di sản cũng như làm cơ sở cho bảo tồn, trùng tu phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc