Miếu Đôi có phải là nơi thờ “hoa cái” của vua Quang Trung?

VHO- Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh không có bài vị, không biết thờ ai, không có văn sớ được làng lưu giữ, tuy nhiên ở làng râm ran những câu chuyện mà các bậc cao niên được nghe cha ông kể lại, theo đó có giả thuyết Miếu Đôi là nơi thờ hai vò xương sọ của hai vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và Quang Trung Nguyễn Huệ triều Tây Sơn.

Miếu Đôi có phải là nơi thờ “hoa cái” của vua Quang Trung? - Anh 1

Một trong hai miếu của Miếu Đôi vừa được dân làng Dạ Lê Chánh trùng tu

Mấy chục năm trước, cộng đồng cũng đã rất quan tâm khi từng rộ lên “nghi vấn” về nơi chôn cất vò sọ vua Quang Trung tại làng Thanh Thủy Chánh (hay làng Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). Nhưng đến nay đó cũng chỉ là một trong những giả thuyết…

Nghi vấn từ 35 năm trước

Sau ngày đất nước thống nhất, PGS.TS Đỗ Bang (hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu lịch sử triều Tây Sơn, trong đó có tìm kiếm nơi chôn cất vò xương sọ của vua Quang Trung.

Từ lâu, người dân ở Huế đã truyền nhau thông tin, sau vụ binh biến năm 1885, có một nhân vật quan trọng trong triều đã trộm lấy chiếc vò mang đi về hướng Đông Nam của Kinh thành Huế. Nhà nghiên cứu Đỗ Bang đã ngờ rằng, người đó đã mang “ông vò” vào Bình Định, quê hương của các lãnh tụ triều Tây Sơn, nhưng sau nhiều lần điền dã, khảo cứu vẫn không tìm thấy kết quả. Rồi có người tiết lộ nhân vật đó ở làng Thanh Thủy Chánh và làm quan trong triều, từng coi sóc ở Khám Đường, nơi “nhốt” ba vò xương sọ của các vua Tây Sơn. Từ năm 1977, ông Đỗ Bang tiếp tục có nhiều lần khảo sát tại làng Thanh Thủy Chánh và một số làng phụ cận của Huế nhưng cũng chưa thể đưa ra kết luận. Đến tháng 3.1988, chuyến khảo sát của ông mới có những kết quả bước đầu.

Theo PGS.TS Đỗ Bang, các bô lão ở làng Thanh Thủy Chánh đã kể lại, hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá (hay Phan Công Hiền) từng làm quan trong triều, đã cẩn thận “giải phóng” chiếc vò sọ rồi đem để vào trong một cái thạp đồng, mang về chôn ở làng Thanh Thủy Chánh, nơi chôn gần Miếu Đôi. Hai ông này vì mang tội đưa sọ vua Quang Trung về chôn, bị phát giác nên vua Đồng Khánh đã ra lệnh tử hình. Con cháu không được lót chữ Công mà đổi thành Phan Văn… vì sợ tru di gia tộc. Miếu Đôi được người làng Thanh Thủy Chánh kể đến là nằm ở bên kia cầu ngói Thanh Toàn. Đó là hai cái miếu dạng tò vò, cách nhau 1,5m, Miếu Đôi thờ hai vị Lang Lại Nhị đại tướng quân. Khoảng giữa hai miếu, chếch về phía sau có một “ụ đất” trông như một nấm mộ nhỏ. Ngày xưa đây là khu vực nổi tiếng linh thiêng, mỗi khi ngày rằm hay mồng một đều có nhiều người dân đến thắp hương ở “ụ đất” đó, nhưng không người nào biết mộ của ai. Đó là trường hợp đặc biệt vì dân trong làng đã có các nghĩa địa dành sẵn, không ai chôn cất ở khu vực đó. Cho đến kháng chiến chống Pháp, Miếu Đôi và “ụ đất” thiêng ở Thanh Thủy Chánh đã bị san bằng. Vị trí và dấu tích của hai miếu cổ hiện nằm ở cạnh sau trường THCS Thủy Thanh.

Theo các nhà nghiên cứu, thông tin của PGS.TS Đỗ Bang cách đây 35 năm cũng là một giả thuyết, và cũng là để những người quan tâm về triều Tây Sơn tiếp tục điền dã, khảo sát, nghiên cứu, phản biện trong “hành trình” đi tìm vò “hoa cái” của vua Quang Trung.

Miếu Đôi có phải là nơi thờ “hoa cái” của vua Quang Trung? - Anh 2

 Không gian khuôn viên Miếu Đôi ở cuối làng Dạ Lê Chánh, phường Thủy Vân, TP Huế

Miếu Đôi đáp ứng các đặc điểm cần và đủ?

Một số nhà nghiên cứu cũng đặt vấn đề: Liệu chăng lời kể của các bô lão làng Thanh Thủy Chánh với PGS.TS Đỗ Bang là “Miếu Đôi nằm ở bên kia cầu ngói Thanh Toàn” có liên quan đến Miếu Đôi ở doi đất phía cuối làng Dạ Lê Chánh. Bởi từ Miếu Đôi ở Dạ Lê Chánh nhìn sang cầu ngói Thanh Toàn chỉ cách nhau một cánh đồng khoảng 2 km?

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết, thời gian từ năm 1885, hai làng Dạ Lê Chánh và Thanh Thủy Chánh cùng thuộc một tổng Dạ Lê nên rất dễ nhầm ranh giới giữa làng này với làng khác. Việc chôn cất ở khoảnh đất gần ranh giới giữa hai làng, người ta chỉ có thể chôn ở phần đất trống của làng Dạ Lê Chánh, bởi từ xưa đến nay tục lệ của làng Thanh Thủy Chánh là người chết không chôn tại làng vì không lập nghĩa địa trong phạm vi đất đai thuộc làng quản lý. Cho nên nếu đem chôn hai vò sọ ở đất làng Thanh Thủy Chánh sẽ là họa, chưa nói đến phép vua trị tội mưu phản mà “lệ làng” cũng sẽ không tha, và sẽ bị đào phá rồi dời đi hoặc báo quan quân xử lý để bảo vệ linh mạch của làng. Những người có vai vế, chức sắc ở đây càng quá hiểu rõ lệ làng đã quy định nghiêm ngặt từ lâu đời, nên khó có chuyện người ở làng Thanh Thủy Chánh lại đưa vò sọ (hài cốt) về chôn ở làng mình. Dẫn lại thông tin về ngày kỵ giỗ của ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá trong gia phả họ Phan, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hiền cho rằng hai ông này mất vào các mốc ngày tháng khác nhau, nên nhận định các ông đã bị xử tử hình do che giấu, chôn cất vò sọ vua Tây Sơn là chưa xác đáng. Thời điểm năm 1885, làng Dạ Lê Chánh có cụ Nguyễn Đắc Đạo làm Phó Vệ úy trong triều Nguyễn, có thể vị này đã kết giao với hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá để “giải thoát” hai vò xương sọ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và cùng nhau đem về chôn cất ở làng Dạ Lê Chánh.

Một người cũng rất tâm huyết với lịch sử triều Tây Sơn là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Từ những thông tin, dữ liệu mà PGS.TS Đỗ Bang từng công bố, ông Xuân nhận định có bốn đặc điểm cần phải có của Miếu Đôi mà các bô lão làng Thanh Thủy Chánh từng kể lại với nhà sử học Đỗ Bang. Đó là, nó phải ẩn mình trong cánh đồng mà quan, binh, dân chúng, tù nhân chạy về Thanh Thủy Chánh (phía Đông Nam của Kinh thành Huế) phải băng qua các cánh đồng làng kề nhau: Vân Dương, Xuân Hòa, Công Lương, Dạ Lê Chánh, Vân Thê và cuối cùng là Thanh Thủy Chánh. Nơi đó phải nằm trên ruộng công, không xác định được người trách nhiệm để bắt tội. Dù phải trốn tránh cẩn mật nhưng phải uy nghiêm, xứng đáng bậc thiên tử. Vị trí tọa lạc của miếu phải nằm “phía bên kia cầu ngói Thanh Toàn”. Tất cả những đặc điểm này thì Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh đều hội đủ.

Trở lại câu chuyện Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh, phường Thủy Vân, dù miếu thờ không có bài vị, không một văn sớ ghi chép, nhưng lại được người dân âm thầm bảo vệ, truyền chân lặng lẽ thì đó là những người được nhân dân trọng vọng, như câu người xưa vẫn thường dạy “Thương dân, dân lập miếu thờ”. Tại buổi tọa đàm vào cuối tuần qua do Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế chủ trì cũng đã nhận định, Miếu Đôi làng Dạ Lê Chánh đáp ứng các đặc điểm cần và đủ để trả lời rằng, niềm tin của dân làng về Miếu Đôi là nơi thờ hai vò xương sọ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là đúng với sự thật lịch sử. Tuy nhiên cũng có một số nhà nghiên cứu phản biện, cho rằng cần phải thận trọng và tiếp tục nghiên cứu để có đủ chứng cứ xác định rõ ràng. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, qua khảo sát các lớp vật liệu xây dựng thì khả năng Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh đã được dựng lập từ thế kỷ 17 (tức dưới thời các chúa Nguyễn), thờ các vị phúc thần. Nhưng do lũ lụt bị cuốn trôi nên không còn dấu vết, đời sau không biết Miếu Đôi thờ ai. Có thể có chuyện đưa hai vò sọ của vua Tây Sơn về vùng này nhưng không phải Miếu Đôi được lập ra để thờ hai ông.

“Có thể nói các nhà sử học còn “mắc nợ” vua Quang Trung. Chúng ta đã và đang đầu tư cho việc xây dựng tượng đài vua Quang Trung lớn hơn rất nhiều lần so với đầu tư cho các công trình nghiên cứu, tìm kiếm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, và nơi chôn cất, nơi thờ tự hai vò sọ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ kể từ sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế năm 1885”, ông Phạm Thanh Tùng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế chia sẻ. 

 SƠN THÙY

 

Ý kiến bạn đọc