“Hà Nội là điển hình” và “Hà Nội không thiếu...”

VHO- Những ngày qua, dư luận báo chí và mạng xã hội như “bốc hoả” trước tình trạng hàng nghìn phụ huynh ở Hà Nội phải thức “xuyên đêm”, “trắng đêm” cùng với cảnh vạ vật ngồi chờ để nộp hồ sơ xin học cho con vào lớp 1 và lớp 10. Những ai có con em ở độ tuổi này mới thấu hiểu xen lẫn vô vàn bức xúc trong cảnh “màn trời chiếu đất” để mong cho con có được suất học.

 Điều lạ nữa là, không phải mới đây, như “đến hẹn lại lên” cảnh các bậc làm cha mẹ chen lấn, xô đẩy trong màn đêm, cố có được vị trí “đẹp” để đợi đến khi cánh cổng trường mở thì ùa vào nộp hồ sơ, cứ lặp đi lặp lại, khiến cho ai nấy “tim tức, ngực đau”.

Khi dư luận và báo chí phản ánh, chắc lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã thấu cảm được cảnh “cá chuối đắm đuối vì con” của hàng nghìn bậc phụ huynh trong những ngày qua, những năm qua, và vì thế sẽ có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Còn nhớ, sáng 1.7 vừa qua, phát biểu tiếp thu giải trình tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã đề cập đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập và đã nhận định rằng: “Hà Nội là điển hình”. Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội có 2,3 triệu học sinh, đông nhất cả nước, chiếm khoảng 1/10 cả nước. “Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học, nên phần lớn lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp”, ông Dũng nói và cho biết thêm trong quá trình quản lý vừa qua có “những vấn đề bất cập ngay trong nội tại của Hà Nội”.

Theo đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị 10-15 năm, dân cư đã ở ổn định rồi nhưng các quy hoạch, cơ sở về công trình xã hội, đặc biệt là trường học lại đầu tư rất chậm. Vì vậy, Hà Nội đã quyết định thu hồi một loạt khu đất để làm trường học ở các khu đô thị và tập trung đầu tư theo phương thức đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hóa. “Với cách như vậy, chúng ta sẽ dần khắc phục được thiếu trường, thiếu lớp”, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho hay. Chắc chắn rằng, những thông tin mà người đứng đầu Đảng bộ thành phố đưa ra, đồng thời có những nhận định phản ánh hiện thực khách quan, là điều khó có thể bàn cãi.

Thế nhưng ở một chiều cạnh khác, khi đại biểu HĐND thành phố liên tục chất vấn tình trạng “thiếu trường, thiếu lớp” dẫn đến cảnh tượng hàng nghìn phụ huynh chen lấn, xô đẩy để nộp hồ sơ cho con thì lại được ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, “Hà Nội không thiếu chỗ học”. Rồi giải thích rằng, do phụ huynh tin tưởng một số trường tư có chất lượng tốt, dẫn đến tình trạng phải xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con. Cụ thể, chiều 5.7, tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học và tình trạng phụ huynh phải xuyên đêm nộp hồ sơ cho con.

Trước HĐND thành phố Hà Nội, ông Trần Thế Cương khẳng định là ở Hà Nội không thiếu chỗ học. “Một số trường có uy tín, được phụ huynh tin tưởng nên bằng mọi giá gửi con em mình vào học. Vì vậy, họ xếp hàng từ sáng sớm với mong muốn con có suất vào trường”, ông Cương nói. Trong chừng mực nào đó có thể người đứng đầu ngành GD&ĐT Hà Nội nói không sai, hoặc ít nhất là đúng trong một hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, ở câu chuyện trường lớp này khiến cho dư luận cảm thấy có gì đó chưa thật sự rõ ràng, nếu không dám nói là mâu thuẫn. Cũng là câu chuyện trường lớp ở Hà Nội, chỉ cách đây mấy ngày Bí thư Đinh Tiến Dũng đã nói với cử tri, “Hà Nội là điển hình” thiếu trường, thiếu lớp. Còn ông Giám đốc Sở lại khẳng định trước HĐND thành phố và các đại biểu là “Hà Nội không thiếu chỗ học”.

Dẫn ra như thế để mong thành phố Hà Nội nhận diện một cách đầy đủ hơn về cơ sở vật chất trường, lớp và thúc đẩy tích cực các biện pháp khắc phục, cải thiện, sớm thay đổi được cảnh tượng “màn trời chiếu đất” mà hàng nghìn phụ huynh đã nếm trải. 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc