Tọa đàm “Tinh thần Duy Tân hào kiệt” tưởng niệm ngày giỗ thứ 98 của nhà ái quốc Phan Châu Trinh

VHO - Ngày 19.3, tại Đường Sách TP.HCM đã diễn ra tọa đàm văn hóa “Tinh thần Duy Tân hào kiệt”. Sự kiện do CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ tổ chức, nhằm tôn vinh một trong những nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc - nhà ái quốc Phan Châu Trinh, đồng thời cũng là dịp tưởng niệm ngày giỗ thứ 98 của ông (1926-2024), ghi nhận và ca ngợi di sản văn hóa đặc biệt mà nhà ái quốc Phan Châu Trinh đã góp phần xây dựng cho đất nước.

Tọa đàm “Tinh thần Duy Tân hào kiệt” tưởng niệm ngày giỗ thứ 98 của nhà ái quốc Phan Châu Trinh - Anh 1

Chương trình tọa đàm tại Đường Sách TP.HCM

Tại chương trình, các diễn giả văn hóa đã giới thiệu góc nhìn về chân dung 3 nhân vật của phong trào Duy Tân: Nhà sáng lập tờ báo Tiếng Dân - Huỳnh Thúc Kháng, Doanh nhân ái quốc Phan Thúc Duyện và bậc thầy Duy Tân – Phan Châu Trinh. 

Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là một chí sĩ yêu nước người Việt Nam. Là người tài cao học rộng, ông đã trở thành một nhà lãnh đạo trong phong trào Duy Tân, một phong trào cải cách xã hội và chính trị ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. 

Trong thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa (1946-1947), ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chính phủ và quốc gia mới của Việt Nam. Huỳnh Thúc Kháng đã trải qua nhiều khó khăn và gian khổ trong cuộc đời, như bị bắt và đày ở Côn Đảo, nhưng ông không bỏ cuộc và tiếp tục đấu tranh cho sự tự do của dân tộc. Trong đó, sáng lập báo Tiếng Dân và tham gia Chính phủ Liên hiệp là những thành tựu đáng kể khác trong sự nghiệp của Huỳnh Thúc Kháng. Ông đã dành cả cuộc đời để phục vụ dân tộc và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam, từng được Bác Hồ vinh danh với công lao to lớn. 

Phan Thúc Duyện (1873-1944) là người thông minh, tài trí, có tầm nhìn sâu rộng, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế nhưng bản thân ông cũng như bao thanh niên ái quốc có tư tưởng tiến bộ khác đều nhận ra rằng áo mã cân đai không cách nào cứu quốc, không thể giúp dân mình thoát khỏi đói nghèo và có độc lập, tự do. Phan Thúc Duyện đã quyết tâm cứu quốc bằng cách đẩy mạnh phong trào Duy Tân cùng với những người đồng chí như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…

Đặc biệt, ông tập trung vào việc phát triển kinh tế, nâng giá trị nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình vườn- ao- chuồng để tăng năng suất và hiệu quả… Các chiến lược và tầm nhìn rất tiến bộ mà Phan Thúc Duyện đã dày công: Xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, thiết lập hương ước, khuyến khích doanh nghiệp, đóng góp trong lĩnh vực giáo dục…

Diễn giả Hồ Nhựt Quang và ông Nguyễn Đông Hòa (đại diện gia đình cụ Phan Châu Trinh) đã cùng chia sẻ về góc độ chân dung người Thầy Phan Châu Trinh qua tinh thần “chi bằng học” và khát vọng cứu quốc, nâng cao giá trị văn minh đời sống dân tộc Việt Nam.

Cùng với chia sẻ về lịch sử và chân dung các nhân vật trong phong trào Duy Tân, chương trình còn tập trung ý nghĩa của tinh thần Duy Tân trong ba khía cạnh giá trị chính: cải cách xã hội, nâng cao dân trí và giáo dục, cùng với phương pháp bất bạo động để khôi phục đất nước. 

Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, từ những câu chuyện sẻ chia “ôn cố tri tân” về các tấm gương kiên cường, lòng dũng cảm, những người tham dự - đặc biệt là các bạn trẻ sẽ cảm nhận rõ ràng ý nghĩa của tinh thần Duy Tân. 

“Đó không chỉ là một cuộc vận động lịch sử, mà còn là một nguồn cảm hứng vô tận, động lực để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước với tình yêu thương, niềm tự hào và sự tự tin về nền tảng của cha ông buổi trước đã dầy công kiến tạo. 

Tọa đàm “Tinh thần Duy Tân hào kiệt” không chỉ là một sự kiện kỷ niệm, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, lan tỏa và gìn giữ di sản văn hóa của những nhân vật vĩ đại. Đồng thời, tiếp nguồn ánh sáng để cùng nhau tôn vinh tinh thần Duy Tân, tiếp tục xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước”, ông Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh. 

Sau phần tọa đàm, chương trình đã biểu diễn tiết mục ca cổ Anh hùng cử Duyện và chặp Cải lương Duy Tân hào kiệt của tác giả Hồ Nhựt Quang, với phần tham gia biểu diễn của TS.NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng - Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM, nghệ sĩ Kim Anh, Lý Kiều Hạnh, Lý Trung, Trọng Hiếu, Hạ Nắng, Triệu Hoàng, Nhựt Quang, nhạc sĩ Châu Minh Tâm.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc