Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sàn đấu Sotheby’s lại đấu giá tranh giả của danh hoạ Việt: Họ biết cả đấy nhưng vẫn phớt lờ...

Thứ Sáu 20/09/2019 | 11:13 GMT+7

VHO- Sau nhiều lần bức xúc trước vấn nạn tranh giả, tranh nhái lộng hành, giới chuyên môn một lần nữa chỉ rõ, trong số các tác phẩm của các danh họa Việt Nam mà nhà đấu giá Sotheby’s (Hong Kong) đăng tải công khai trước khi đưa lên sàn đấu giá chính thức vào ngày 6.10 tới có không ít tác phẩm là tranh giả, tranh chép của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam.

Tác phẩm tranh lụa “Hai cô gái trước bình phong” đang được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật VN

Trong số này còn có cả những tác phẩm mà bản gốc đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hết Bức thư đến Hai cô gái trước bình phong

Cảm thán mà thực tế là bức xúc, nhà báo, nhà phê bình mỹ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật Hoàng Anh chia sẻ: “Hết Bức thư của Tô Ngọc Vân lại đến Hai cô gái trước bình phong của Trần Văn Cẩn được đưa lên sàn đấu giá của Sotheby’s, trong khi bản gốc vẫn đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nói nhiều thì thành “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng nếu biết đầy đủ và đích xác thì không thể làm ngơ được bởi vì liên quan đến sự chính thống cho những tác phẩm chân bản ở quê hương”.

Phiên đấu giá “Modern and comtemporary southeast Asian art” dù ngày 6.10 mới diễn ra nhưng giới chuyên môn trong những ngày qua đã rất bất bình cho rằng Sotheby’s sẽ đưa lên sàn đấu giá nhiều tác phẩm nhái của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, gồm: tranh lụa Hai cô gái trước bình phong của danh họa Trần Văn Cẩn, tranh lụa Bức thư của danh họa Tô Ngọc Vân, tranh sơn mài Dân quê Việt của danh họa Nguyễn Sáng và tranh sơn mài Phong cảnh của danh họa Nguyễn Gia Trí. Trước thực trạng đấu giá tranh giả tràn lan, nhà phê bình mỹ thuật Hoàng Anh ngán ngẩm: “Nhiều đến mức không thể nói hết. Mà có nói thì rồi vẫn đâu hoàn đấy. Thị trường vẫn tất bật mua bán những bức tranh mạo danh tên tuổi của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam”.

Bà Hoàng Anh cho hay, bản gốc bức tranh Hai cô gái trước bình phong rõ ràng thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm này được mua năm 1965 từ một gia đình ở phố Bà Triệu, là một người họ hàng với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến. “Chính bà Hải Yến đã giới thiệu bức tranh này cho Bảo tàng. Tranh được vẽ năm 1943. Kích thước 45x48 cm. Cùng đợt ấy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn mua được 2 bức tranh quý nữa gồm: Chải tóc bên cầu ao của họa sĩ Lê Văn Đệ; Hiện vẻ hoa của họa sĩ Nguyễn Tường Lân…”, nhà phê bình mỹ thuật Hoàng Anh khẳng định. Bà bức xúc, “vậy mà trong phiên sắp đấu tại Hồng Kông sắp tới, Sotheby’s sẽ đấu giá bản phiên Hai cô gái trước bình phong với giá ước đoán 60.000- 90.000 HKD, cùng với bản phiên Bức thư của Tô Ngọc Vân, giá ước đoán 800.000 - 1.500.000 HKD”.

Kêu gọi những người yêu mỹ thuật hãy cùng chia sẻ thông tin này để giúp người mua tranh có tư liệu tham khảo cần thiết, nhà phê bình Hoàng Anh cũng cho rằng, có thể khi giới chuyên môn ở Việt Nam lên tiếng thì nhà đấu giá có thể biết, có thể không biết, nhưng họ sẽ lờ đi. Nhưng có một điều gần như chắc chắn rằng người Việt hiện mua tranh Việt rất nhiều trên các sàn đấu giá. Vì vậy, nếu biết được những thông tin này, họ có thể ngần ngừ hoặc không mua. Nhà đấu giá sẽ khó bán được tranh.

 Bản phiên bức “Hai cô gái trước bình phong” đang được đăng trên trang web của nhà đấu giá Sotheby’s

Hạ thấp tên tuổi của các danh họa Việt

Trước những thông tin liên quan đến việc đấu giá những bức tranh giả mạo, nhái tranh thật hiện đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày, lưu giữ, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Bảo tàng có đầy đủ hồ sơ chứng minh giá trị pháp lý và tính nguyên gốc của hai hiện vật là tranh lụa Hai cô gái trước bình phong của danh họa Trần Văn Cẩn, tranh lụa Bức thư của danh họa Tô Ngọc Vân. Hiện nay tranh Hai cô gái trước bình phong đang nằm trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng, còn tranh lụa Bức thư thì thuộc hệ thống kho lưu giữ…”.

Cùng với hai tác phẩm thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới mỹ thuật còn nhận định phiên đấu giá của Sotheby’s cũng có hai tác phẩm cũng bị nghi vấn là tranh giả. Đó là bức Dân quê Việt của Nguyễn Sáng và Phong cảnh của Nguyễn Gia Trí, 2 họa sĩ danh tiếng của làng sơn mài Việt. Ở cả 4 tác phẩm nói trên, giới nghề đều cho rằng, những nét vẽ thiếu chuyên nghiệp và ngây ngô đã hạ thấp tên tuổi và giá trị tác phẩm của 4 danh họa. Phong cách sáng tác của cả bốn bậc thầy hội họa Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng đều định hình rất rõ ràng mà chỉ cần nhìn thoáng qua, các nhà thẩm định mỹ thuật đều có thể phân định đâu là thật, đâu là giả.

Theo họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, ở bức Dân quê Việt của Nguyễn Sáng, chỉ cần nhìn cái tay trái cầm đòn gánh của người đàn ông ở gần lại cắm vào sau lưng người phụ nữ ở xa là đủ thấy hiểu biết về luật viễn cận của người vẽ bức tranh này là gần như không có. Những thứ ngớ ngẩn như thế sao cứ nhan nhản trong tranh của “các cụ Đông Dương”? Nhiều họa sĩ cũng tiếc nuối cho sự xuống dốc ngày càng trầm trọng về uy tín mỹ thuật Việt. Sotheby’s biết đấy, nhưng vì lợi nhuận nên họ cứ phớt lờ. Chỉ có người Việt là bị thiệt hại, tên tuổi của các họa sĩ bị ảnh hưởng. Người mua tranh của kẻ làm giả rồi bán lại cho người thưởng tranh với giá thật, quy trình này đã đưa một mớ tranh đáng lý vứt đi, bỗng nhiên lại có giá trị tiền tỉ.

Phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên Sotheby’s bị các họa sĩ Việt tố đưa tranh giả lên sàn đấu giá. Năm 2017, nhà đấu giá này đã cho lên sàn bức tranh Gia đình của danh họa Lê Phổ vẽ một thiếu phụ có… 2 bàn tay trái. Đó là kết quả của việc người vẽ bức tranh không hiểu về giải phẫu nên đã vẽ cổ tay phải của người phụ nữ và lắp trên đó là một bàn tay trái. Các nhà chuyên môn khẳng định, 100% bức tranh này không phải của Lê Phổ thể hiện. Vậy mà, bức tranh lụa giả dối đó được ghi là của danh hoạ Lê Phổ và được Sotheby’s giới thiệu bán với giá ước tính từ 1.500.000- 2.500.000 HKD (tương đương khoảng 191,730 - 319,550 USD).

Vì vậy không còn cách nào khác, các nhà chuyên môn Việt một lần nữa kêu gọi các nhà sưu tập tranh, người mua tranh hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái, nhạy bén và nắm bắt thông tin liên quan đến thị trường mỹ thuật Việt. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top