Đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới

VHO-Sau khi 103 nhà hàng, quán ăn do Michelin đề xuất được công bố, nhiều gương mặt trẻ là người chủ, đầu bếp… cũng lộ diện. Họ được kỳ vọng và khuyến khích để tạo ra những món ăn ngon, tiềm năng trong tương lai

Đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới - Anh 1

 Những vị khách quốc tế thích thú với món ăn của Sam Trần tại lễ công bố Ảnh: VÂN ANH

Tại buổi công bố 103 nhà hàng, quán ăn được đề xuất trong cẩm nang Michelin (Michelin Guide) vừa diễn ra tại Hà Nội, các khách mời cũng được chiêu đãi một thực đơn tinh tế với 5 món ăn do chính tay các đầu bếp quốc tế đạt sao Michelin và các đầu bếp trẻ tài năng của Việt Nam thể hiện.

Những món ăn truyền thống qua tay đầu bếp trẻ

Chia sẻ về việc lựa chọn thực đơn này, ông Gwendal Poullennec, Giám đốc Quốc tế của Michelin Guide gọi đây là một thực đơn phong phú và tinh tế, vừa mang đậm dấu ấn cá nhân của những đầu bếp đẳng cấp cao, vừa thống nhất theo phong cách tôn vinh truyền thống, đề cao giá trị bản địa lâu đời nhưng cũng thể hiện được sự năng động sáng tạo của đầu bếp trẻ. Điều này chính là tầm nhìn xuyên suốt của Michelin trong “sứ mệnh” chỉ dẫn những địa điểm đáng để du khách dừng chân và trải nghiệm.

Trong tổng số 103 nhà hàng được tuyển chọn, có 48 nhà hàng ở Hà Nội và 55 nhà hàng ở TP.HCM; có 4 nhà hàng được nhận 1 sao Michelin (3 nhà hàng ở Hà Nội, trong đó có 2 nhà hàng của người Việt là Gia và Tầm Vị; một nhà hàng ở TP.HCM) nhờ có chất lượng món ăn cao. Chia sẻ về bất ngờ sau khi nhà hàng Gia nhận được 1 sao, bếp trưởng nhà hàng Gia Sam Trần cho biết, Michelin có mặt tại Việt Nam như động lực để chúng tôi cố gắng hơn, để chứng tỏ bản thân không chỉ ở Việt Nam mà giới thiệu đến với thế giới. “Từ lâu nay, ẩm thực đường phố của Việt Nam đã được thế giới biết đến, nhưng chúng tôi muốn thế giới biết đến góc nhìn khác về ẩm thực đường phố Việt Nam. Ở Thái Lan đều lấy cảm hứng từ ẩm thực đường phố để đưa vào các nhà hàng, thì tại sao Việt Nam lại không thể. Và chúng tôi đã làm được”, bếp trưởng nhà hàng Gia nói.

Trong số các nhà hàng, quán ăn được đưa vào danh sách, có rất nhiều người sáng lập, đầu bếp là người Việt trẻ. Điều này cho thấy sự năng động của giới trẻ và tiềm năng đưa ẩm thực Việt ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới. Trong các tiêu chí mà Michelin áp dụng để đánh giá thì tính truyền thống không phải yếu tố quyết định mà là sự tổng hòa của 5 tiêu chí gồm: Chất lượng sản phẩm; tài nghệ nấu ăn; sự hài hòa hương vị; cá tính của đầu bếp được thể hiện qua món ăn và sự nhất quán của món ăn theo thời gian và của toàn bộ thực đơn. Do đó, sau khi lọt vào danh sách của Michelin, sẽ là động lực để nhà hàng, quán ăn tiếp tục nâng tầm mình hơn, hy vọng đạt được cấp độ cao hơn trong danh sách Michelin. Và những nhà hàng chưa được vào danh sách sẽ phải tiếp tục phấn đấu, để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, tạo môi trường tốt hơn cho ngành ẩm thực Việt Nam.

Sẽ có những cuộc ganh đua

Với những tiêu chí lựa chọn của Michelin thì việc xuất hiện những ý kiến trái chiều là điều dễ hiểu, bởi những người với “gu” ẩm thực thuần truyền thống khó có thể chấp nhận ẩm thực truyền thống “kiểu Tây”. Hoặc người này cảm nhận quán này ngon, chất lượng dịch vụ tốt; người khác lại cho rằng đó là quán dở cũng là bình thường.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, một số ý kiến cho rằng, đừng vội đánh giá bởi vì các tiêu chí được lựa chọn từ quan điểm của du khách quốc tế nên có thể đúng đối với họ. Người địa phương sẽ cảm thấy khó hiểu vì họ rành ẩm thực của mình hơn nên sẽ chọn nơi khác. Những quán không nằm trong danh sách Michelin lựa chọn không có nghĩa là thua kém mà có lẽ là thẩm định viên Michelin không thể đi ăn hết các cơ sở ẩm thực nên chỉ đưa ra quan điểm cá nhân một cách chuyên nghiệp. Và danh sách này sẽ được cập nhật, thay đổi hằng năm đòi hỏi sự phấn đấu của nhà hàng, quán ăn trong cả quá trình dài và ổn định chứ không chỉ 1 giai đoạn nào đó.

Là người trong nghề, bếp trưởng Trần Duy, giảng viên tại Trung tâm Hướng nghiệp Á - Âu bày tỏ sự chia sẻ với cảm giác của những người làm nhà hàng không có trong danh sách Michelin đầu tiên tại Việt Nam lần này. Hơn ai hết, ông hiểu rằng nhận một cái review không tốt từ một vị khách lạ, đã là điều gì đó khó “nuốt”, dễ khiến người chủ “nhồi máu cơ tim” rồi, đây lại là “đánh giá danh giá nhất thế giới” nữa nên quả thật, mong đợi rất lớn, và thất vọng thì cũng rất to. Nhưng trong chuyện ăn uống, ngon dở hay khen chê thường chia làm 2 thái cực và những ý kiến đó cũng chỉ là một góc nhìn hẹp, không có ý nghĩa trong việc đánh giá chuyên gia của Michelin đúng hay sai.

Phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh ngành dịch vụ ăn uống đang trầm lắng bởi tác động của nền kinh tế sau dịch Covid-19, thì sự kiện công bố danh sách 103 nhà hàng được đề xuất của Michelin đã khuấy động sự quan tâm của tất cả mọi người. Chắc chắn, nhiều người dân trong nước sẽ muốn trải nghiệm những nhà hàng, quán ăn danh sách này. Đồng thời, ẩm thực Việt Nam cũng góp mặt thêm vào bản đồ du lịch của thế giới và ngày càng tự hoàn thiện để nâng tầm mình lên, cũng như bước vào xếp hạng cao hơn của Michelin. “Tôi tin rằng, sau ngày này, ẩm thực Việt Nam sẽ có những bước tiến mới rất thú vị, sẽ là những cuộc ganh đua thực sự. Cuộc đời có khen có chê, may mà bị chê, để còn biết tức giận mà thức tỉnh, mà đứng dậy chạy tiếp. Từ nay, mỗi năm chúng ta sẽ có một ngày đặc biệt để chờ đợi, để mong mỏi và hy vọng cho những cố gắng mới được ghi nhận”, bếp trưởng Trần Duy nhấn mạnh.

Một danh sách với 103 nhà hàng, quán ăn được lựa chọn của Michelin đã không làm hài lòng tất cả mọi người, bởi xen vào đó là yếu tố địa phương. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, với mỗi giải thưởng, bình chọn đều có tiêu chí riêng và chúng ta tôn trọng những tiêu chí đó. Họ đo lường theo cách của họ và chúng ta cảm nhận theo cách của mình nên có sự khác biệt. Việc một tổ chức nổi tiếng thế giới đánh giá ẩm thực Việt Nam, sẽ mang tới những lợi ích mới cho ngành du lịch cũng như ngành ẩm thực của chúng ta. “Tuy nhiên, khi đánh giá về ẩm thực, các chuyên gia cần am hiểu văn hóa bản địa thì kết quả mới thuyết phục. Trong danh sách lần đầu tiên này, Hiệp hội ẩm thực Việt Nam không được mời tham gia và mong muốn có sự kết nối chặt chẽ trong những lần đánh giá tiếp theo để cùng đưa ra được những danh sách có sự đồng thuận cao nhất, mang tính thuyết phục cao nhất cho các đề xuất của Michelin”, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chia sẻ. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc