Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Điện ảnh Việt Nam thấy những gì từ con đường rực rỡ của điện ảnh Hàn Quốc?

Thứ Tư 09/11/2022 | 15:41 GMT+7

VHO- Sáng 9.11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã diễn ra Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc, cũng là nôi dung rất được mong chờ của các nghệ sĩ, những nhà làm phim tham dự HANIFF VI. Thứ trưởng Tạ Quang Đông dự và phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng BCĐ LHP phát biểu tại Hội thảo

Con đường rực rỡ của phim ảnh xứ Hàn

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP quốc tế Hà Nội lần VI cho biết, hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Hàn Quốc, những xu hướng làm phim mà điện ảnh Hàn Quốc hướng tới; đồng thời chia sẻ về cách tiếp cận các LHP cũng như con đường đi tới những giải thưởng lớn mà điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được tại các Liên hoan Phim, giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế.

Hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Hàn Quốc, những xu hướng làm phim mà điện ảnh Hàn Quốc hướng tới; đồng thời chia sẻ về cách tiếp cận các LHP cũng như con đường đi tới những giải thưởng lớn mà điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được tại các LHP, giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo

“Hội thảo đưa tới những kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phim trong nước và quốc tế tham dự LHP...”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh. Nhân dịp này, điện ảnh Hàn Quốc đã tới Hà Nội tham dự HANIFF VI  với chùm phim trong Chương trình tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, giới thiệu 7 bộ phim đặc sắc của những đạo diễn tiêu biểu của điện ảnh Hàn Quốc đương đại, cùng những Giải thưởng lớn ấn tượng: Bộ phim của tiểu thuyết gia của đạo diễn Hong Sang Soo giành giải Gấu Bạc của BGK tại LHP Berlin lần thứ 72 năm 2022;  Khoảnh khắc mùa hè của đạo diễn Jo Gun-shik, Giám đốc điều hành của Học viện Điện ảnh Hàn Quốc; Nhà môi giới của đạo diễn Kore-ada Hirokazu, Giải diễn viên nam chính xuất sắc của LHP Cannes 2022; Quyết tâm chia tay của đạo diễn Park Chan Wook - Giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes 2022; Thi ca của đạo diễn Lee Chang Don - Giải Kịch bản hay nhất tại LHP Cannes 2010; Thiêu đốt của đạo diễn Lee Chang Dong - Giải thưởng của Liên đoàn phê bình phim quốc tế tại LHP Cannes 2018; Tổ của chim ruồi của đạo diễn Kim Bora - Giải NETPAC tại LHP Busan và  một số giải thưởng tại các LHP Quốc tế như Berlin, Tribeca…

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP quốc tế Hà Nội lần VI phát biểu

“Đây là một cơ hội tuyệt vời để khán giả Hà Nội và đại biểu tham dự LHP được thưởng thức những tác phẩm đã góp phần làm nên vị trí hàng đầu của Điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế ngày nay; cùng “quyền lực mềm” quảng bá văn hóa, kết nối các giá trị văn hóa, tạo nên những kỳ tích của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc qua nhiều năm...”, ông Vi Kiến Thành khẳng định.

Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL),  ông Nguyễn Văn Tình chia sẻ, làn sóng văn hóa Hàn Quốc thực sự ấn tượng đã tạo nên sự yêu mến của công chúng  trên thế giới, trong đó có một lượng không nhỏ là khán giả Việt Nam. Bên cạnh các ngành công nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc như âm nhạc, thời trang, phim truyền hình... thì lĩnh vực điện ảnh giành được sự hâm mộ vô cùng lớn của công chúng trên khắp thế giới. “Cách đây 30 năm sau khi hai nước Việt- Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao, Tuần phim Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam đã được tổ chức tại một số tỉnh miền Trung, để lại nhiều dấu ấn thành công tốt đẹp. Từ đó đến nay, quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia tiếp tục có thêm nhiều dấu ấn, trong đó có lĩnh vực điện ảnh”, ông Tình nói.

Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện ảnh Hàn Quốc

Về kinh nghiệm phát triển điện ảnh Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong chia sẻ, bối cảnh giúp cho K- movies phát triển đạt được thành tựu đến hôm nay, cụ thể là những chìa khóa đi đến thành công của điện ảnh Hàn Quốc có thể sẽ là những kinh nghiệm giúp cho điện ảnh Việt Nam thành công thời gian tới... “Tôi vẫn thường nhận được câu hỏi, K- movies đang ở vị trí nào trên trường điện ảnh quốc tế? Phải nói rằng chúng tôi đang ở giai đoạn vàng với sự phát triển rực rỡ của điện ảnh, với nhiều tác phẩm gặt hái được vô số các giải thưởng lớn. Điện ảnh Hàn Quốc mới đây có bộ phim Ký sinh trùng được rất nhiều giải thưởng, là bộ phim tiêu biểu của K-movies. Hay bộ phim Squid Game- Trò chơi con mực nổi tiếng trên thế giới...”, ông Park Ki Yong cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cũng khẳng định: "Phim Hàn thành công  là từ chất lượng vượt trội. Người Hàn sống trong một xã hội dữ dội, đầy nhiệt huyết và phim Hàn đã phản ánh chân thật xã hội đó".

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong, thành công của phim Hàn cũng nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy trong nhiều năm của đội ngũ sáng tạo. Hàn Quốc đã có một thời gian dài là thuộc địa, từ một nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, hiện nay, Hàn Quốc đã thuộc nhóm giàu nhất. Để đạt được điều đó, Hàn Quốc đã có sự cố gắng hết sức mình.

Ký sinh trùng, bộ phim gặt hái thành công của điện ảnh xứ Hàn

Văn hóa phẩm của Hàn Quốc cũng hướng tới thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là sự thay đổi trong môi trường truyền thông mang tới cơ hội thành công. Điện ảnh Hàn Quốc cũng mở rộng đối tượng xem phim, không chỉ là ở lứa tuổi 20-30 mà ở mọi đối tượng. Cùng với đó, Hàn Quốc chú trọng mở rộng phát hành phim ở những thành phố vệ tinh.

"Với kinh nghiệm làm phim trên 30 năm, chính tôi cũng không ngờ đến ngày K- movies lại phát triển rực rỡ như hiện nay. Và dù đã thành công, chúng tôi cũng không dậm chân tại chỗ, đứng lại trên hào quang mà luôn trăn trở làm sao để tiếp tục phát triển bền vững nhất. Đại dịch Covid-19 đã tạo sự thay đổi của rất nhiều thứ, trong đó có điện ảnh. Sau đại dịch, người ta đặt ra câu hỏi sơ khai ban đầu đó là điện ảnh là gì, phim là gì? Điện ảnh phát triển theo hướng như thế nào? Chúng tôi cũng luôn trăn trở với câu hỏi này”,  ông Park Ki Yong nói.

Các chuyên gia tại Hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc

Sau đại dịch Covid-19, một yếu tố ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của điện ảnh là tốc độ. Làm phim nhanh, phản ánh thực trạng xã hội một cách nhanh nhất; Nâng cao năng lực, nuôi dưỡng thế hệ nhà sản xuất phim Hàn tiếp theo; Tăng cường toàn cầu hóa (khắc phục rào cản ngôn ngữ); khuyến khích nghiên cứu, phê bình học thuật; tăng cường nghiên cứu, phát triển giáo dục; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển điện ảnh… là những nhiệm vụ mà điện ảnh Hàn Quốc đặt ra trong giai đoạn phát triển sau đại dịch.

Cơ hội cho những nhà làm phim Việt

Theo ông Ko Jae Soo, Tổng Giám đốc CJ Việt Nam, điện ảnh Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm, yếu tố có thể áp dụng tại Việt Nam. Trong đó, cần đa dạng hóa mục đích sử dụng của rạp chiếu phim và mở rộng đối tượng, phạm vi hưởng thụ điện ảnh. Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng nhiều rạp chiếu phim hơn nữa ở các địa phương. Cùng với đó là mở rộng hơn nữa đối tượng của điện ảnh. Không chỉ là đối tượng 20-30 tuổi, điện ảnh sẽ phục vụ mọi lứa tuổi và hiện những người làm phim Hàn Quốc đang trăn trở làm những phim phục vụ đối tượng trung niên.

Bên cạnh đó, Quỹ phát triển văn hóa của CJ đưa những bộ phim đến phục vụ những vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và Hiệp hội điện ảnh góp phần phát triển điện ảnh nước nhà. Ông Ko Jae Soo cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển điện ảnh bởi đối tượng khán giả rất lớn do dân số đông.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ HK Jung Tae Sung thì cho rằng, để phát triển điện ảnh Việt Nam, người Việt Nam phải ưu tiên xem phim Việt Nam. “Với hơn 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam,  cùng làm khán giả theo dõi sự phát triển của điện ảnh, tôi thấy điện ảnh Việt Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhiều thành tựu với sự tham gia của các nhà làm phim trẻ tuổi. Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay cần được nhìn nhận thẳng thắn và có giải pháp triệt để là tỉ lệ xem phim của người dân Việt Nam còn thấp quá...”, ông Jung Tae Sung nêu.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được nhận định: “Vì làn sóng của các nền điện ảnh nước ngoài du nhập vào Việt Nam quá nhiều và ồ ạt, trong đó có các nền điện ảnh lớn như Hollywood, Hàn Quốc…, trong khi nội dung và sự lựa chọn của điện ảnh Việt Nam còn ít, dẫn đến việc người dân Việt Nam chưa ưu tiên xem phim Việt Nam lên hàng đầu", theo ông Jung Tae Sung.

“Trong 10 năm qua, điện ảnh Việt Nam có nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ cho việc sản xuất phim, nhưng cần mở cửa hơn nữa trong sáng tác, hợp tác với các nước trong tương lai", ông Jung Tae Sung nói.

Cũng theo Tổng Giám đốc CJ HK, Việt Nam nên chú trọng đào tạo nhân lực cho điện ảnh. "Khi làm phim, chúng tôi xác định 4 yếu tố để có bộ phim hay:  kịch bản; diễn xuất; quay phim và biên tập. Ở Việt Nam, kịch bản vẫn còn hạn chế, diễn xuất còn thiếu, chưa mời được đạo diễn có tiếng trên thế giới về hợp tác", ông Jung Tae Sung nhấn mạnh và đề xuất, Việt Nam cần tạo cơ hội cho những bạn trẻ trong đào tạo. Ngoài ra, theo ông Jung Tae Sung, Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn nữa việc tải và xem phim lậu. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng tốn thời gian khá dài để loại bỏ việc xem, tải phim lậu.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lotte Entertainment Việt Nam  Lee Jin Sung nhận định, năng lực làm phim của người Việt Nam rất tốt, có thể đạt ở tầm thế giới nhưng điều kiện tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ. Những khoảng trống này cần nhanh chóng có giải pháp lấp đầy, để dư địa tiềm năng của điện ảnh Việt Nam không còn bị lãng phí.

Thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam- Hàn Quốc

Cảm ơn các đại biểu Hàn Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm quý cho điện ảnh Việt Nam, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh sửa đổi của Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tháng 6 vừa qua. Theo sự đánh giá của quốc tế và những người làm nghề, Luật điện ảnh sửa đổi đã có một bước tiến xa và so với khu vực, Luật khá cập nhật với tình hình chung của ngành điện ảnh. Luật Điện ảnh Việt Nam đã chú trọng những vấn đề như kiểm duyệt, thành lập các cơ sở đào tạo, mở rộng quyền hạn của người làm nghề.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL cũng đang xúc tiến triển khai Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Việt Nam có những chương trình đào tạo học sinh, sinh viên ngành điện ảnh. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT và Bộ VHTTDL cũng có học bổng gửi học sinh, sinh viên đi học tập tại nước ngoài và tỷ lệ sinh viên điện ảnh đi học tập ở nước ngoài chiếm ưu thế so với các ngành khác.

"Hai năm qua, chúng tôi đã gửi đi 20 học sinh của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, chưa kể 10 em đi Trung Quốc trong chương trình giữa Trường Đại học Sân khấu điện ảnh và Đại học Trung Quốc. Trong 3 năm qua, có khoảng 30 sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài về ngành điện ảnh. Trong đó hơn 10 người đã quay trở lại Việt Nam bắt đầu làm ở các cơ sở đào tạo hoặc tổ chức sản xuất phim. Với chúng tôi, việc đào tạo nhân lực là công việc hàng đầu để thúc đẩy điện ảnh phát triển", Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, KOFIC và một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam như CJ, Lotte… hỗ trợ kết nối giữa các đoàn làm phim Việt Nam – Hàn Quốc, để các nhà làm phim Việt Nam được học tập kinh nghiệm làm phim của Hàn Quốc, hay chọn Việt Nam là điểm đến của những cảnh quay trong phim Hàn Quốc, phối hợp trong đào tạo, nghiên cứu cũng như dự án phim.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị, hai doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong ngành điện ảnh là CJV và Lotte tăng cường nguồn vốn hơn nữa trong sản xuất phim ở Việt Nam.

Thứ trưởng bày tỏ kỳ vọng, sau Hội thảo này, cơ hội hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Hàn Quốc cũng như các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam cơ cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các doanh nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, từ đó sẽ có những sản phẩm mới, chất lượng trong thời gian tới.

Diễn viên, đạo diễn Công Hậu

"HANIFF VI được Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh tổ chức  trong bối cảnh hiện nay là sự kiện vô cùng ý nghĩa. Điều này rất cần thiết cho đối với điện ảnh Việt Nam. Ở đây, chúng tôi được giao lưu văn hóa, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giữa những người làm điện ảnh trong nước nhà và quốc tế.

Đặc biệt tại các hoạt động có tác động thiết thực như Hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, tôi cho rằng đây là cơ hội học hỏi rất tuyệt vời đối với các nhà làm phim Việt Nam. Giá như có thêm nhiều nữa các nhà làm phim, nhà sản xuất phim Việt có mặt tại đây. Để chúng ta không chỉ ngưỡng mộ, mà còn tìm hiểu vì sao điện ảnh Hàn Quốc lại thành công đến vậy".

(Diễn viên, đạo diễn Công Hậu)

PHƯƠNG ANH; ảnh: QUANG TẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top