Hành trình 40 năm “đi, yêu và viết” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

VHO- Cuốn hồi ký 40 năm đi, yêu và viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã được ra mắt vào sáng ngày 17.6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Cuốn hồi ký được giới thiệu nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6).

Từ năm 2015, khi nghỉ hưu, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã luôn ấp ủ mong muốn được được lưu giữ những kỷ niệm, những kinh nghiệm được coi như như “của để dành” ông có được sau hơn 4 thập kỷ làm báo của mình. Ông đã hoàn thành nguyện vọng này bằng việc dồn hết tâm huyết vào các chương sách 40 năm đi, yêu và viết.

Hành trình 40 năm “đi, yêu và viết” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Anh 1

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ tại buổi ra mắt sách

Cuốn sách bao gồm 4 phần với chương 1 điểm lại con đường vào nghề của tác giả, thời niên thiếu, giai đoạn theo học khoa Văn, khoa Báo và những tháng ngày bắt đầu cầm bút tại Báo Tuổi trẻ, Báo Lao động, sau đó trở thành Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, làm Phó Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam)...

Chương 2 đăng tải 15 phóng sự đời thường ưng ý nhất cùng câu chuyện của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi viết những tác phẩm này. Chương 3 chứa đựng các bài viết của tác giả thuộc lĩnh vực lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm. Chương 4 bao gồm bài viết của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về tác giả. Trong các bài viết đều tổng hợp, phân tích đan xen các yếu tố nghề nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng. Qua đó, bạn đọc, đặc biệt là những độc giả yêu thích nghề báo, mê phóng sự có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích nhất. 

Cuốn sách hướng đến những người yêu thích nghề báo, mê phóng sự, các nhà báo trẻ, sinh viên báo chí... Sách được viết dưới hình thức hồi ký, không thiên về lý thuyết mà mang yếu tố thực tiễn, những bài học nghiệp vụ và kinh nghiệm của nhà báo.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Từ khi bắt đầu bước vào nghề cầm bút, tôi đã tự tặng cho mình câu slogan “đi, yêu, và viết”. Năm 2015 khi nghỉ hưu, tôi bắt đầu cho phép mình “đo đạc, kiểm định”, viết lại những gì đáng nhớ nhất trên quãng đường làm báo gần nửa thế kỷ qua. 40 năm làm báo không phải ngắn, cũng không quá dài nhưng có đủ câu chuyện vui buồn, đau đớn, xót xa; vinh quang có mà tủi nhục cũng có ”.

Cũng theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, viết hồi ký không khó mà lựa chọn những gì để viết mới khó, trong khi bản thân ông lại có quá nhiều chuyện muốn nói. Hành trình cho “ra đời đứa con tinh thần”của ông cũng gặp lắm chông gai khi đang bắt tay vào soạn bản thảo cho tập sách, tháng 4.2021, ông bất ngờ bị tai biến, phải ngưng công việc đang làm một thời gian. Thế nhưng bằng cả tình yêu với nghề báo, ông vẫn quyết tâm phải hoàn thành; có khi gõ laptop, khi lại tranh thủ “đôi ba dòng” trên điện thoại.

Hành trình 40 năm “đi, yêu và viết” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Anh 2

Buổi ra mắt sách thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và đông đào công chúng

Trong tác phẩm của mình, cách kể chuyện của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn có sự khác biệt. Khác ở chỗ mỗi câu chuyện của ông đều có ví dụ cụ thể và hướng đến cách giải quyết. Cái tài của ông còn nằm ở ông như có khả năng “kéo” bạn đọc vào trong câu chuyện của mình. Độc giả cũng thấy nhẹ nhàng hơn khi nhiều câu chuyện nghiêm túc được ông “hoá giải” trở thành câu chuyện nhẹ nhàng, mang tinh thần lạc quan.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo không chỉ đi nhiều, viết khoẻ mà còn có máu liều. Nhưng máu liều của ông cuối cùng là vì những giá trị nhân văn. Trong các tác phẩm của Huỳnh Dũng Nhân, bạn đọc không khó để nhận ra trong văn có báo, trong báo có văn. Đó là điểm đặc sắc mỗi khi Huỳnh Dũng Nhân viết báo hay viết văn.

Hành trình 40 năm “đi, yêu và viết” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Anh 3

Cuốn sách 40 năm đi, yêu và viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Cũng tại buổi ra mắt sách, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mong muốn với 500 trang sách, đây sẽ là cuốn “giáo trình” đầy tính thực tiễn, hấp dẫn với những người cầm bút, nhất là những phóng viên, nhà báo trẻ: “Ai cũng có giai đoạn “tập toẹ” học viết báo, gặp khó khăn. Quan trọng, các nhà báo, phóng viên trẻ có dám đương đầu với thử thách không. Hãy xách balo lên và đi, lăn xả với thực tế, nghiêm túc làm nghề và luôn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê”.

ĐÌNH TOÁN; ảnh: PHƯƠNG TRUNG

Ý kiến bạn đọc