Báo chí và văn chương song hành dưới ngòi bút của nhà báo

VHO- Vừa qua, nhằm hưởng ứng “Tuần lễ sách của người làm báo” (17.6 – 22.6), NXB Trẻ đã tổ chức buổi giao lưu “Nhà báo viết sách” với sự tham gia của các nhà báo Dương Thành Truyền, Nguyễn Khắc Cường, Hồ Huy Sơn và Trung Nghĩa. Qua đó giúp các bạn trẻ có thêm những bài học làm nghề từ văn cho đến báo từ trải nghiệm dày dặn của các diễn giả.

Báo chí và văn chương song hành dưới ngòi bút của nhà báo - Anh 1

Các diễn giả tại buổi giao lưu

Báo chí song hành cùng văn chương

Trước đây, khi bàn về chủ đề nhà báo viết sách, bạn đọc sẽ liên tưởng đến những cuốn sách về chuyên ngành báo chí hoặc sách dạng tổng hợp, chắt lọc những bài đã đăng báo trước nay. Tuy nhiên, thực tế thì ngành xuất bản những năm qua đã cho thấy các tác giả là nhà báo, với đa dạng thể loại, từ thơ đến văn xuôi, từ sách thiếu nhi đến sách dành cho người trưởng thành. Việc báo và văn song hành đã mang đến cho tác giả những góc nhìn thú vị, không chỉ là chân lý, thời sự mà còn có sự bay bổng.

Xuất thân từ lĩnh vực báo chí, mỗi nhà báo đều có sở trường và thế mạnh như sử dụng ngôn từ điêu luyện, có nhiều trải nghiệm phong phú, cùng với cách quan sát cuộc sống sắc sảo. Với tính chất nghề nghiệp vốn có, nhà báo dễ dàng hoà mình vào văn chương và được sống trong thông tin, thời cuộc. “Được sống trong thông tin và thời cuộc đã gợi cho chúng ta rất nhiều chất liệu của cuộc sống này. Qua đó, khi nhà báo viết sách thì cũng sẽ gợi ra những câu chuyện của cuộc sống, của con người và gợi ra được rất nhiều điều sâu xa trong cuộc đời”, nhà báo Dương Thành Truyền nhận định.

Ngoài ra, công việc làm báo thường xuyên phải đi tác nghiệp trực tiếp tại nhiều nơi, trải nghiệm và cảm nhận những điều mắt thấy, tai nghe. Chia sẻ về lợi thế này, nhà báo Trung Nghĩa, người đã đặt chân đến 50 quốc gia và tham gia tác nghiệp tại 6 kỳ World Cup thổ lộ rằng những chuyến đi giúp anh có thể tập hợp được nhiều tư liệu có cùng chủ đề, sau quá trình đúc kết thì khi viết sách sẽ có sự cô đọng, súc tích nhất.

Gắn bó với nghề làm báo thiếu nhi gần 30 năm, nhà báo Nguyễn Khắc Cường chia sẻ: “Còn 12 ngày nữa là tôi làm báo thiếu nhi tròn 30 năm, một khoảng thời gian dài tiếp xúc với các em nhỏ qua những câu chuyện niềm vui, ước mơ và trăn trở. Gần như một đoạn đường mà lúc nào tôi cũng sống trong không khí của trẻ em. Đó là một lợi thế, nó cho tôi chất liệu để viết nên những câu chuyện”.

Còn với nhà báo Hồ Huy Sơn, anh cho rằng mình rất may mắn khi được làm phóng viên theo dõi mảng xuất bản, công việc đã giúp anh có cơ hội tiếp xúc và đọc rất nhiều sách. Đối với anh không cần tách bạch giữa làm báo và viết sách, chất nhà báo trong tác phẩm văn chương và sự dung hòa văn với báo sẽ tạo nên nét độc đáo của tác phẩm. “Tôi rất biết ơn nghề báo vì chính nghề báo đã giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê của tôi”, anh bày tỏ.

Báo chí và văn chương song hành dưới ngòi bút của nhà báo - Anh 2

Cũng nhân dịp này, các nhà báo giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm mới

Văn chương lưu giữ giá trị của báo chí

Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề thời sự mang giá trị nhân văn trong một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, qua một thời gian sự việc ấy sẽ dần bị độc giả quên lãng. Do đó, việc viết sách sẽ giúp tái hiện và lưu truyền những tài liệu tại thời điểm ấy. Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Nguyễn Khắc Cường cho biết: “Giả sử, chúng ta có một cuốn sách đề cập đến vấn đề nóng trong một giai đoạn của một bối cảnh xã hội nào đó. Dù cho là 10 năm sau, 20 năm sau hay một thế hệ sau đọc lại thì nó vẫn giúp người ta có một cái nhìn hiểu hơn về giai đoạn lịch sử này”. 

Nhà báo luôn sống trong thời cuộc, sống giữa dòng chảy thông tin. Các thông tin trở thành chất liệu hoặc khơi gợi cảm xúc cho nhà báo, thúc giục nhà báo viết nên tác phẩm. Thông tin đó có thể là các câu chuyện thời sự, những câu chuyện về cuộc sống, về con người. Việc lưu giữ giá trị của báo chí qua văn chương cũng giúp cho chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, về xã hội và có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên đi những giai đoạn quan trọng trong lịch sử, mà nên bảo tồn và phát triển văn hóa, truyền thống của một quốc gia. Các nhà báo cũng cho rằng việc lưu giữ giá trị của báo chí qua văn chương là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để bảo vệ và phát triển văn hóa và lịch sử của một dân tộc.

Đọc sách cho ta kiến thức, giúp nâng cao tư duy lập luận, năng lực ngôn từ nhưng quan trọng hơn sách sẽ biến chúng ta thành những người lưu giữ văn hóa đọc. Nhà báo Dương Thành Truyền cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng muốn làm người thú vị thì cần phải đọc sách và ông cũng khuyến khích mọi người ngoài đọc ra cũng cần nên có thói quen viết, ghi lại những sự kiện dưới góc nhìn của bản thân, vì ở quá khứ đã có nhiều sự kiện của đất nước xảy ra nhưng không có tư liệu ghi chép lại. 

Mỗi người có một dấu vân tay, mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ, bốn tác giả với bốn phong cách viết và sở trường khác nhau đã mang đến những lời tâm tình, nhắn gửi cho các bạn trẻ có mong muốn viết sách. Tại sự kiện, khán giả không chỉ được lắng nghe những chia sẻ quý báu của các tác giả mà còn có cơ hội bộc bạch suy nghĩ của bản thân về chủ đề khi nhà báo viết sách.

Cũng tại buổi giao lưu, NXB Trẻ đã giới thiệu các tác phẩm Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl của nhà báo Trung Nghĩa, Bắt đầu bằng để lại của nhà báo Dương Thành Truyền và 2 tác phẩm mới phát hành là Kho báu trong thành phố của nhà báo Nguyễn Khắc Cường, Xin chào ngày nắng đẹp của nhà báo Hồ Huy Sơn.

LAN HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc