Tuồng, chèo, cải lương và 17 loại hình đào tạo nghệ thuật biểu diễn khác được xếp vào nhóm học nghề chịu độc hại, nguy hiểm

VHO - Trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng vừa được Bộ LĐ,TB&XH ban hành, đáng chú ý có tới 20 loại hình trình diễn nghệ thuật (hệ trung cấp) và chín loại hình trình diễn nghệ thuật (hệ cao đẳng) đã cập nhật, bổ sung.

Tuồng, chèo, cải lương và 17 loại hình đào tạo nghệ thuật biểu diễn khác được xếp vào nhóm học nghề chịu độc hại, nguy hiểm - Anh 1

Học sinh Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Ảnh: TTCNTXTK

Bộ LĐ,TB&XH đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. 

Thông tư 05 được ban hành thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH (được ban hành ngày 29.12.2017), có hiệu lực kể từ ngày 30.7.2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.

Việc thực hiện quy định trong giáo dục nghề nghiệp đối với người học ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước thời điểm Thông tư 05 có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 36 cho đến khi kết thúc khóa học.

Điểm đáng chú ý, nếu như Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH không có ngành, nghề học nào thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn được xếp trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng thì Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH có tới 20 loại hình nghệ thuật biểu diễn trình độ trung cấp được xếp chung trong nhóm Nghệ thuật trình diễn, gồm: Nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật biểu diễn chèo, nghệ thuật biểu diễn tuồng, nghệ thuật biểu diễn cải lương, nghệ thuật biểu diễn kịch múa, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, nghệ thuật biểu diễn xiếc, nghệ thuật biểu diễn dân ca quan họ, nghệ thuật biểu diễn kịch nói, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biểu diễn nhạc cụ phương Tây, đờn ca nhạc tài tử Nam Bộ, nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, organ, thanh nhạc, chỉ huy hợp xướng.

Ngoài ra, cũng trong trình độ trung cấp còn có điêu khắc (thuộc mã ngành Mỹ thuật) và đúc, dát đồng mỹ nghệ; chạm khắc đá; gia công và thiết kế sản phẩm mộc (thuộc mã ngành Mỹ thuật ứng dụng).

Đối với trình độ cao đẳng, trong nhóm Nghệ thuật trình diễn có chín loại hình nghệ thuật biểu diễn nằm trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, gồm: Nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật biểu diễn xiếc, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, diễn viên múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biểu diễn nhạc cụ phương Tây, thanh nhạc, chỉ huy âm nhạc. 

Ngoài ra, trong mã ngành Đào tạo giáo viên có giáo viên dạy xiếc; trong mã ngành Mỹ thuật và Mỹ thuật ứng dụng cũng có các ngành tương tự như hệ đào tạo trung cấp.

Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng mới được ban hành nhằm mục đích cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà trong thực tế đào tạo  phát sinh sau 5 năm triển khai Thông tư số 36 hoặc những công việc của ngành, nghề trong quá trình học tập, thực hành, thực tập liên quan và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Qua đó tạo điều kiện để người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi học tập và giảng dạy những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Xem toàn văn Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH [EasyDNNnewsDocument|240]

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc