Nhà hát Kịch Việt Nam: Điểm hẹn cho khán giả

VHO - Đầu năm mới 2024, Nhà hát Kịch Việt Nam đã thành công ra mắt công chúng Thủ đô 2 chương trình: Chương trình Nghệ thuật chào Xuân mang tên “Xuân 24” và Chương trình nghệ thuật chào mừng ngày quốc tế phụ nữ “Điểm hẹn 8.3” từ ngày 17.2.2024 đến ngày 19.3.2024, đồng thời 6 vở kịch nói nổi tiếng cũng được duy trì diễn liên tục ở nhiều sân khấu lớn đã làm thoả mãn cơn khát xem kịch của khán giả Thủ đô yêu bộ môn nghệ thuật này.

Nhà hát Kịch Việt Nam: Điểm hẹn cho khán giả - Anh 1

Khán giả lên sân khấu chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ sau đêm diễn

 Điểm hẹn của các vở kịch hay

Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị dẫn đầu kỷ lục với số lượng buổi diễn và số vở diễn đa dạng các kịch mục sau dịp Tết nguyên đán. Từ chính kịch đến hài kịch, từ dân gian đến hiện đại, từ kịch Việt Nam đến kịch kinh điển nước ngoài.

Khán giả Thủ đô đã có cơ hội thưởng thức hơn 27 đêm diễn tại 6 rạp biểu diễn trên địa bàn thành phố Hà Nội, cùng với đó là sự góp mặt của 6 vở diễn nổi bật thời gian gần đây của Nhà hát, quy tụ gần 100 gương mặt nghệ sĩ. Đó là các vở kịch: Ả Cave Nhà hàng Maxim(Tác giả: Georges Feydeau, Đạo diễn: NSND Tuấn Hải), Quan thanh tra (Tác giả: Nikolay Vasilyevich Gogol, Đạo diễn: NGƯT Lê Mạnh Hùng), Bão tố Trường Sơn (Cố tác giả: Trương Minh Phương, Cố đạo diễn: NSND Anh Tú), Nghêu Sò Ốc Hến (Biên tập và đạo diễn: NSND Hoàng Lâm Tùng),  Vở kịch Bệnh sĩ (Cố tác giả: Lưu Quang VũĐạo diễn: NSND Tuấn Hải), Bóng rối (Tác giả: Vũ Hoàng Hoa, Đạo diễn: NSND Tạ Tuấn Minh).

Cũng như các chương trình khác, Xuân 24 và Điểm hẹn 8.3 là kết tinh của mọi tâm huyết, nỗ lực của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Hai chương trình đã thành công thu hút gần 1.000.000 khán giả theo dõi và đón tiếp gần 9.000 khán giả đến thưởng thức. 

“Mình đã xem 4 vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam kể từ tháng 11.2023 đến nay. Bên cạnh chất lượng vở diễn, mình rất hài lòng về công tác tổ chức, truyền thông và chăm sóc khách hàng của Nhà hát Kịch Việt Nam. Các bạn rất thân thiện và chu đáo; sau khi buổi diễn kết thúc, khán giả đều được Ban tổ chức hỏi thăm về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân về vở diễn. Đặc biệt, mình thấy Ban tổ chức tiếp rất thiện chí tiếp thu ý kiến khách hàng và có những sửa đổi vô cùng nhanh chóng, hợp lý; tạo nên sự những gắn kết giữa Nhà hát và khách hàng vô cùng đáng quý.  Đây thực sự là một ưu điểm rất đáng khen ngợi”, khán giả Bùi Thanh Hằng (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) chia sẻ. 

Nhà hát Kịch Việt Nam: Điểm hẹn cho khán giả - Anh 2

Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp cận khán giả dưới nhiều hình thức

 

Có gia đình huy động cả ông bà, bố mẹ và cả con cháu đi xem kịch như gia đình anh Nguyễn Thành Đạt (Mỹ Đình, Hà Nội). Sau khi xem xong vở Quan Thanh tra, anh Nguyễn Thành Đạt chia sẻ: “Tôi cùng gia đình trở thành fan của Nhà hát Kịch Việt Nam từ lúc nào không hay. Cứ có dịp, có vở mới hay chương trình mới là cả gia đình lại háo hức mua vé để được thưởng thức. Các bé nhà mình cũng đã được tiếp xúc với sân khấu kịch từ sớm và rất yêu thích khoảng thời gian được bố mẹ dẫn đi xem kịch. Cá nhân mình nghĩ đây là hoạt động giải trí tuyệt vời, bổ ích vì yếu tố văn hóa nghệ thuật được đề cao. Có những vở diễn như Quan Thanh tra không chỉ ông bà, bố mẹ mà cả con chúng tôi cũng rất thích thú. Vở diễn vừa đáp ứng nhu cầu giải trí nhưng cũng vô cùng sâu sắc, thâm thuý.

Hoài Hương, cô sinh viên trẻ của Đại học khoa học xã hội nhân văn Hà Nội hào hứng nói:“Em là một khán giả trung thành của sân khấu kịch, em đã theo dõi và ủng hộ Nhà hát Kịch Việt Nam từ rất lâu rồi. Em thực sự yêu thích những vở kịch của Nhà hát, bởi những vở diễn không đơn thuần mang tính giải trí mà còn mang tính giáo dục cao, giúp em hiểu thêm về nhân sinh, cuộc sống và con người”.

Mục tiêu lớn nhất hướng tới khán giả

Nhà hát Kịch Việt Nam: Điểm hẹn cho khán giả - Anh 3

Khán phòng biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn chật kín khán giả

Chia sẻ với Văn Hoá, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam NSND Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, bên cạnh chất lượng của vở diễn thì Nhà hát đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Công nghệ đã giúp tăng cường tương tác giữa nhà hát, nghệ sĩ với khán giả. Do đó, Nhà hát đã tận dụng công nghệ để nhiều người biết đến sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam hơn. Thông tin về các hoạt động của nhà hát đến được với nhiều khán giả hơn. Quan trọng nhất, sự tương tác đã kích thích mong muốn, khát khao đến rạp của khán giả.

Hơn 4 triệu lượt người tương tác trên mạng xã hội với các chương trình và nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam. Rất nhiều khán giả đã chủ động tìm tới nhà hát để mua vé xem biểu diễn trực tiếp... Những thành tích và sáng tạo trong phương thức tổ chức biểu diễn đã minh chứng cho sự năng động của Ban giám đốc và tập thể cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát, đặc biệt là sự thích ứng kịp thời chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tiếp cận khán giả.

Trong năm 2024, Nhà hát Kịch Việt Nam đặt cao mục tiêu đưa sân khấu kịch nói đến với khán giả và vì vậy Nhà hát huy động các đơn vị nghệ thuật cũng như toàn bộ lực lượng nghệ sĩ tham gia vào các chương trình, vở diễn đầu xuân ở các sân khấu của Thủ đô, đặc biệt là duy trì các buổi diễn định kỳ tại trụ sở chính số 01 Tràng Tiền Hà Nội. Đồng thời Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục lên kế hoạch tổ chức các chuyến lưu diễn phục vụ bà con các tỉnh Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Ninh…

THANH MAI

Ý kiến bạn đọc