Văn hóa dân gian: “Mỏ vàng” của âm nhạc đương đại

VHO- Thời gian qua, không ít hiện tượng âm nhạc đã đạt được thành công “triệu view” nhờ bệ đỡ của văn hóa truyền thống. Có thể nói, đây là hướng đi đầy tích cực và chứng tỏ những giá trị dân gian luôn giữ được sức hấp dẫn riêng biệt đối với mọi thế hệ người Việt nếu nghệ sĩ biết khơi đúng mạch.

 

Văn hóa dân gian: “Mỏ vàng” của âm nhạc đương đại - Anh 1

 Các ngh sĩ tr đã thi làn gió mi vào âm nhc dân gian và được khán gi đương đại yêu thích đón nhn (nh: Ca sĩ Hà Myo vi Xm Hà Ni”)

 Bức tranh tươi sáng

Khai thác chất liệu dân gian, truyền thống đang là xu hướng trong sáng tác ca khúc dành cho giới trẻ. Không chỉ đơn thuần là sản phẩm mang tính giải trí, những sáng tác ấy đã và đang góp phần lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa Việt, đưa âm nhạc nước ta đến với công chúng quốc tế.

Nói đến lồng ghép yếu tố văn hóa dân gian vào âm nhạc hiện đại thành công nhất đến thời điểm này, phải kể đến là Hoàng Thùy Linh với 2 album tạo nên “thương hiệu” riêng. Với những tác phẩm như: Để Mị nói cho mà nghe, Bánh trôi nước, Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Duyên âm, Gieo quẻ, Kẻ cắp gặp bà già... và đặc biệt, See tình - một bản disco pop vui nhộn với phần điệp khúc mang âm hưởng ngũ cung, MV khai thác chất liệu văn hóa dân gian miền Tây Nam Bộ với câu Cải lương mở đầu đã có sức hút bền bỉ kéo dài hơn 2 năm và tỏa sáng trên trường quốc tế.

Hay nữ ca sĩ Hà Myo, một gương mặt mới của làng nhạc Việt được biết đến với những sản phẩm kết hợp giữa các loại hình âm nhạc truyền thống với rap và nhạc điện tử. Sau khi thổi “làn gió mới” vào Xẩm với những ca khúc mang lại tiếng vang lớn như Xẩm Hà Nội, Xẩm xuân xanh, Xẩm Bốn mùa hoa..., Hà Myo tiếp tục “phối ngẫu” với nghệ thuật hát Xoan, dân ca Mường. Đặc biệt, những chuyến công tác tại Trường Sa đã thôi thúc cô và ê kíp tiếp tục kết hợp nhạc trẻ với dân ca Nam Trung Bộ qua Ký sự Trường Sa. Hiện tại, nữ ca sĩ vẫn đang ấp ủ nhiều dự án mới với mong muốn mang âm nhạc truyền thống đến gần hơn với người trẻ.

Trên thực tế, chất liệu dân gian còn được ví như là cứu cánh cho dòng nhạc rap. Điển hình ở vòng thi chủ đề Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao, Văn học Việt Nam trong Rap Việt, đã có nhiều ca khúc thu hút sự chú ý từ cộng đồng yêu nhạc, bởi những câu từ gần gũi dường như dễ “chạm” đến trái tim người nghe hơn. Không chỉ trong Rap Việt, mà ngay khi đã định hình được tên tuổi của mình, các nghệ sĩ vẫn chọn đề tài này làm nguồn cảm hứng để thực hiện những MV với sự đầu tư kỹ lưỡng. Như nam rapper Rtee, anh tập trung khai thác chất liệu văn hóa dân gian đưa vào sáng tác như các ca khúc: Rằm tháng bảy, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Khấn Tết….

Và còn rất nhiều các sản phẩm âm nhạc vừa hợp thời, vừa mang đậm hơi thở dân gian đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường nhạc Việt. Chính sự sáng tạo mới mẻ kết hợp với các giá trị trong quá khứ đã làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống lại gần hơn với nhiều đối tượng khán giả.

Làm sao cho khéo?

Rõ ràng, sáng tạo trên nền văn hóa dân tộc là cách các nghệ sĩ trẻ thể hiện niềm tự hào và trách nhiệm. Việc khoác lên sức sống mới cho tấm áo dân gian ông cha để lại không chỉ để tạo “hit” mà còn là cách giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, bởi sự đan xen giữa xưa và nay trong một sản phẩm âm nhạc như một cây cầu nối, để khán giả đương đại dễ tiếp cận theo hướng tươi mới chứ không bị khô cứng, giáo điều.

Song song với thành công, thì vẫn có những sản phẩm chỉ đáp ứng được thị hiếu của một bộ phận khán giả. Theo nhiều “lão làng” trong nghề, sự pha trộn giữa hiện đại và truyền thống của một số nghệ sĩ vẫn còn ở mức nửa vời, chưa làm “tới nơi tới chốn”. Để sử dụng và khai thác âm nhạc dân tộc hiệu quả, người trẻ cần phải chắt lọc những thứ tinh tuý nhất của nhạc Việt. Muốn làm được việc này, trước hết cần tìm hiểu và tôn trọng giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc một cách đúng nghĩa. Như Hà Myo, mỗi sản phẩm của cô đều được kỳ công chăm chút và có sự hỗ trợ nhiệt tình của các cố vấn chuyên môn. Nữ ca sĩ chia sẻ: “Đã có rất nhiều sản phẩm nhạc trẻ mang âm hưởng dân gian được khai thác, nhưng Hà Myo lại phát triển ở một hướng đi hoàn toàn khác, khó hơn, thận trọng hơn và kén người nghe hơn. Ở mỗi thể loại, Hà lại có cố vấn âm nhạc riêng theo từng dòng. Như ở ca khúc Trò chơi... í a... Trời cho, Hà đã về phường Xoan An Thái của Phú Thọ để học những câu hát cổ của trùm phường là NNND Nguyễn Thị Lịch”. Theo cô, để âm nhạc truyền thống len lỏi được vào đời sống của người trẻ thì còn là một hành trình dài và bản thân vẫn đang nỗ lực từng ngày, luôn tìm tòi sáng tạo để âm nhạc truyền thống được bảo tồn và phát triển song song với âm nhạc hiện đại.

Có thể thấy, việc tiếp cận, làm mới nghệ thuật dân tộc đúng cách sẽ tạo được màu sắc tươi đẹp cho tác phẩm mà không làm mất đi nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và để bảo tồn và phát huy những giá trị cũ trong thời đại mới, cần lắm những cái “bắt tay” của thế hệ nghệ sĩ gạo cội cùng nghệ sĩ trẻ. Có như vậy, âm nhạc của chúng ta mới có thể phát triển với bản sắc và cá tính riêng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc. 

 BÁ TRƯỜNG

 

Ý kiến bạn đọc