Đà Nẵng: Tọa đàm “Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam"

VHO - Nhằm ghi nhận những đóng góp của GS Hoàng Châu Ký đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Việt Nam, chiều 26.9, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng, Sở VHTT Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các Hội VHNT TP tổ chức tọa đàm khoa học "Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam".

Tri ân “Người truyền giáo hát Bội”

Khai mạc tọa đàm, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường đã chia sẻ niềm vui, niềm tự hào và tri ân các thế hệ nghệ sỹ, nghệ nhân đã cống hiến tâm sức cho ngành nghệ thuật sân khấu, đóng góp nhiều vào sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. 

“Thời gian qua, với sự quan tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng và sự đồng lòng, chung sức, tận tâm, yêu nghề của các thế hệ nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã giúp nghệ thuật Tuồng tại thành phố Đà Nẵng lan tỏa, mang một sức sống mới. Nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật Tuồng, nhiều hoạt động được tổ chức. Đặc biệt, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách. 

Để tiếp tục nguồn mạch này, thời gian tới, đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cùng đồng hành với các nghệ sỹ, nghệ nhân thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản nghệ thuật Tuồng, để những giá trị này cùng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, NSND, NSƯT... đang hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật tại Trung ương và địa phương. Trong đó có 4 tham luận đánh giá về tổng quan cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của GS Hoàng Châu Ký trong công tác đào tạo nghệ thuật. 9 tham luận đi sâu phân tích về phong cách, xu hướng sáng tác và giá trị các công trình nghiên cứu, tác phẩm, 6 tham luận đề cập đến đóng góp của GS Hoàng Châu Ký đối với công tác đào tạo, phát triển ngành nghệ thuật sân khấu và định hướng bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật Tuồng Việt Nam. Thông qua tọa đàm, khán giả đã có thêm những cái nhìn thấu đáo về các công trình nghiên cứu, phong cách, giá trị các tác phẩm Tuồng, quan điểm trong giáo dục, phát triển, phát huy và bảo tồn của GS Hoàng Châu Ký đối với nghệ thuật Tuồng. 

Đà Nẵng: Tọa đàm “Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam

Tọa đàm "Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam" tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng

Gần hai năm sau ngày mất của Giáo sư Hoàng Châu Ký, ngày 15.1.2010, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã tổ chức Toạ đàm “Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật Tuồng Việt Nam” tại Đà Nẵng. Tọa đàm đã đi sâu, bàn nhiều về công lao đóng góp của Giáo sư Hoàng Châu Ký cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chưa đi sâu vào công tác nghiên cứu lý luận, phê bình sân khấu Tuồng, định hướng cho đào tạo, nghiên cứu sân khấu. Vì thế, có thể nói cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học để tập hợp, thống kê đầy đủ và nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời cũng như những các tác phẩm của Giáo sư. 

Nói về vai trò, giá trị của sự nghiệp GS Hoàng Châu Ký đối với việc đào tạo, bảo tồn nghệ thuật Tuồng, Ths Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng khẳng định: “Đối với việc truyền bá di sản nghệ thuật Tuồng, cây đại thu Tuồng Hoàng Châu Ký không chỉ góp phần đáng kể và đáng nể thông qua các công trình nghiên cứu và sáng tác, không chỉ thông qua việc thành lập các đơn vị nghệ thuật biểu diễn Tuồng chuyên nghiệp như nêu trên, mà còn trực tiếp góp phần vào việc hình thành các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng”.

Từ góc nhìn của người đạo diễn, ThS. NSƯT. Đạo diễn Đặng Bá Tài (Nhà hát Tuồng Việt Nam) cho rằng trong toàn bộ lịch sử sân khấu Việt Nam không có một người nào vừa làm công tác đạo diễn lại có thể dàn dựng hơn chục vở Tuồng từ đề tài lịch sử, đề tài cách mạng, dân gian do mình tự sáng tác kịch bản. Đó là chưa kể biên tập, đồng biên tập chỉnh lý nhiều vở Tuồng cổ kinh điển để vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ… như đạo diễn Tuồng Hoàng Châu Ký.

Dẫn chứng về điều này, đạo diễn Đặng Bá Tài nói về vở Tuồng Tam nữ Đồ Vương gồm 3 hồi 26 cảnh và 5 màn đường. Trước kia các vở Tuồng cổ thường mỗi hồi diễn một đêm, nhưng do yêu cầu của thời đại, năm 1960 Giáo sư cùng với tác giả Tống Phước Phổ biên tập và chỉnh lý lại để diễn tròn một đêm. Một điều nữa khi nói đến vở Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn, những người làm sân khấu không thể quên được những trích đoạn kinh điển như: “Lão Tạ sai cơ”, “Phương Cơ qua ải”, “Tế sống”, “Lão Tạ lăn lửa”. Những trích đoạn mẫu mực này hiện nay không chỉ được giới thiệu cho công chúng khán giả trong và ngoài nước về sự độc đáo của nghệ thuật Tuồng, về nét văn hóa truyền thồng của đất nước mà chúng còn trở thành giáo trình không thể thiếu trong việc đào tạo các nghệ sĩ Tuồng cả nước, và sự thực vở Tuồng này đã tồn tại, biểu diễn mấy mươi năm nay cả ở trong Nam, ngoài Bắc. 

Phát huy cống hiến của  GS Hoàng Châu Ký đối với nghệ thuật Tuồng

Những vấn đề đặt ra trong tọa đàm cũng là cơ sở tìm ra định hướng, giải pháp thỏa đáng, phù hợp giữa  việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Tuồng, vừa thích ứng với sự chuyển biến, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của xã hội. Theo Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An, trong thời đại công nghệ và hiện đại hóa như ngày nay, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng là vô cùng khó khăn, vì làm sao phải giữ được tinh hoa của bộ môn sân khấu truyền thống, vừa phải phù hợp với yêu cầu của thời đại. Nhưng hiện nay nghệ thuật Tuồng nói riêng và sân khấu nói chung vô cùng thiếu những tác giả trẻ tài năng viết kịch bản cho sân khấu Tuồng, thiếu đội ngũ kế cận nghiên cứu lý luận sân khấu. Vì vậy, cần phải tập trung, nghiên cứu sâu hơn, thậm chí huy động các nhóm nhà khoa học, nghệ sĩ để xây dựng các đề án, đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về cuộc đời và các tác phẩm của GS Hoàng Châu Ký. 

Đạo diễn Đặng Bá Tài cũng trăn trở về thực trạng của nghệ thuật Tuồng: “Hiện nay, sự thiếu hụt đáng tiếc của đội ngũ sáng tạo nhất là hai chuyên ngành tác giả, đạo diễn cũng là điều đáng báo động trong ngành Tuồng hiện nay. Nếu như trước kia hai chuyên ngành này là nguyên nhân thường gây ra những cuộc tranh luận nảy lửa về cái hay cái dở của một vở diễn Tuồng thì giờ đây nó cứ thế trôi đi nhẹ tênh”.

Sinh thời, GS Hoàng Châu Ký đã thấy trong bối cảnh xã hội có nhiều hình thức văn hóa giải trí khác, Tuồng có nguy cơ bị mai một, do vậy thời gian ông còn sinh sống ở Đà Nẵng, ông đã  tích cực giảng dạy, truyền bá Tuồng đối với học sinh, sinh viên, các nghệ sĩ, chính để làm rõ giá trị đặc trưng tuyền thống, cái hay, cái uyên bác, quan điểm, cách tiếp cận bảo tồn, phát huy của Tuồng. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay GS Hoàng Châu Ký đã để lại khoảng hơn 50 tác phẩm và bài viết bao gồm các lĩnh vực của nghệ thuật Tuồng: từ sáng tác, chỉnh lý, đạo diễn, nghiên cứu lý luận và các chuyên luận chuyên sâu về nghệ thuật Tuồng. Với những cống hiến của Giáo sư cho nền sân khấu Việt Nam, năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư (đợt I). Năm 2001, ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước (đợt I) về Văn học nghệ thuật. Năm 2022, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm sách: Tuồng cổ; kịch bản sân khấu: Thanh gươm chủ chiến; kịch bản sân khấu: Trần Quý Cáp

Phát huy những giá trị về nghệ thuật Tuồng mà GS Hoàng Châu để lại, nhà nghiên cứu Võ Hà - Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Nghệ thuật Tuồng cần được quan tâm hơn nữa, có giải pháp thỏa đáng hơn nữa. Trước hết, thiết nghĩ cần có chương trình để phát triển Tuồng thực sự trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng, để làm sao nó là một sản phẩm du lịch cần phải xem của du khách khi đến Việt Nam, Đà Nẵng.

Đồng thời nó cần được biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của đất nước như nó từng có trong lịch sử. Thứ đến, cần đề xuất các cơ quan Trung ương nghiên cứu đưa Tuồng vào các chương trình truyền hình quốc gia thay thế cho một trong số chương trình năm nào cũng có nhưng đã không còn phù hợp…”

Trong khuôn khổ các hoạt động tưởng nhớ GS Hoàng Châu Ký, vào hồi 19h30 tối  ngày 26.9 tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng sẽ diễn ra Đêm diễn tri ân nhân dịp GS Hoàng Châu Ký được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2022. Tại đêm diễn các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ công diễn vở Thị Kính - Thị Màu” tới khán giả yêu Tuồng.


NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc