Hài kịch “Quan thanh tra”: Cuộc chơi sang của sân khấu kịch nói

VHO - Tối 3.10, Nhà hát Kịch Việt Nam đã ra mắt vở Quan thanh tra - một vở kịch trào phúng của nhà văn Nikolay Vasilyevich Gogol do NGƯT.TS Lê Mạnh Hùng làm đạo diễn.

Hài kịch “Quan thanh tra”: Cuộc chơi sang của sân khấu kịch nói - Anh 1

Sân khấu được thiết kế ước lệ mang tới sự mới mẻ, hiện đại cho kịch kinh điển 

Vở hài kịch quy tụ những tên tuổi nghệ sĩ “hạng nhất” của Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia biểu diễn: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoàng Lâm Tùng, nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang... Có thể gọi Quan thanh tra là cuộc chơi sang của những người làm nghệ thuật sân khấu kịch nói khi quy tụ những nghệ sĩ tên tuổi và đề cập một vấn đề mang thời sự, đó là vấn nạn tham nhũng.

Nikolay Vasilyevich Gogol là nhà văn, nhà viết kịch hiện thực hàng đầu trong lịch sử văn học Nga và là một trong những người đặt nền móng phát triển cho sân khấu kịch ở nước Nga và châu Âu hiện đại đầu thế kỷ XIX.Quan thanh tra được xuất bản lần đầu năm 1836, thể hiện lối viết trào lộng, châm biến sâu cay của Gogol.

Câu chuyện kể về một anh công chức nhỏ lang thang đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát. Bám sát kịch bản văn học, Quan thanh tra là chuỗi câu chuyện nực cười về sự “bé cái nhầm” anh công chức quèn Khlextakop ở Petersburg thành ra quan thanh tra của đám quan lại ở một tỉnh lẻ. Từ nguyên cớ ấy, bộ mặt thật của những quan tham lần lượt lộ diện... Vốn là những kẻ tham nhũng, đủ mặt các quan chức địa phương lo sợ, tìm cách mua chuộc, hối lộ cho quan thanh tra “dởm”. Nhân dịp đó chúng tố cáo lẫn nhau, nói xấu nhau để tâng công. Tệ hơn nữa, viên thị trưởng còn định lợi dụng cả vợ và con gái hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng, chiếm một địa vị to hơn, vững hơn để áp bức, bóc lột dân chúng được nhiều hơn.

Hài kịch “Quan thanh tra”: Cuộc chơi sang của sân khấu kịch nói - Anh 2

Giám đốc, NSƯT Xuân Bắc vai Quan thanh tra rởm, Phó Giám đốc, NSƯT Kiều Minh Hiếu vai Kiểm học

Điều thú vị là ngoài những đặc điểm chung của đám quan tham như dùng mọi thủ đoạn để tiến thân, nịnh trên dọa dưới, háo danh, bất tài nhưng vẫn tỏ vẻ “bác học”... đã được đại văn hào Gogol khắc họa rất điển hình trong kịch bản thì những nhân vật ấy trong phiên bản sân khấu Việt còn được đạo diễn và dàn nghệ sĩ tài năng thêm thắt những vụ việc rất “thân quen” từ một số câu từ lời thoại và hành động kịch vô cùng hài hước và châm biếm.

Đạo diễn, NGƯT.TS Lê Mạnh Hùng là giảng viên của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Lần này ê kíp diễn viên tham gia vở đều là “trò” của ông, trong đó có cả tới 4 đạo diễn đang sung sức tạo nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam đó là: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoàng Lâm Tùng. “Tôi phải cảm ơn các học trò của mình, họ là những nghệ sĩ “hạng nhất” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Họ đã rất xuất sắc khi thể hiện những ý tưởng mà đạo diễn đặt ra. Các hình tượng nhân vật được thể hiện vô cùng sắc sảo, rất đời và cũng rất trào phúng”.

Hài kịch “Quan thanh tra”: Cuộc chơi sang của sân khấu kịch nói - Anh 3

Nghệ sĩ Hồ Liên và nghệ sĩ Hà Vy trong vai vợ và con gái Thị trưởng

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc vừa làm công tác chỉ đạo nghệ thuật, vừa trực tiếp vào nhân vật chính Khlextakop, Quan thanh tra rởm đời và bịp bợp. Nhân vật Khlextakop mang nhiều bóng dáng của nhân vật Xuân tóc đỏ trong tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhân vật này chỉ là một tên thua cờ bạc, nợ đầm đìa, đang vạ vật trong tầng hầm ẩm thấp của một khách sạn, bị bỏ đói vì không có tiền trả cho khách sạn… thì bỗng dưng được quan chức của thành phố đó đến dâng tiền của và những bữa ăn bừa phứa. Từ Thị trưởng đến các quan nắm giữ tòa án, tế bần, giáo dục, bưu vụ… đều tôn hắn là Quan thanh tra. Khlextakop láu cá đã nhanh nắm bắt được vấn đề, lợi dụng tình huống "trong rủi có may" để trục lợi.

Tham nhũng, vơ vét của cải, “ăn trên, ngồi chốc”, bóc lột nhân dân, nhưng khi có khả năng bị lộ tẩy, hệ thống quan chức câu kết ấy sẵn sàng giở chiêu trò và thể hiện đầy đủ nhất bản chất đớn hèn, ti tiện. Cái kết cuối vở kịch khi sự thật được phơi bày và lá thư mà gã công chức “quan thanh tra rởm” gửi cho bạn như cái tát giáng xuống, phơi bày tất cả những thối nát của chế độ Nga hoàng trong tiếng cười chua cay.

Hài kịch “Quan thanh tra”: Cuộc chơi sang của sân khấu kịch nói - Anh 4

Nhân vật Quan thanh tra rởm khiến người ta nhớ tới nhân vật Xuân Tóc đỏ trong Số đỏ

"Câu chuyện trong vở kịch là câu chuyện rất khó diễn ra trong đời thực nhưng cũng rất có khả năng trở thành sự thật trong đời sống. Có một chi tiết rất hay trong vở đó là nhân vật Khlextakop chưa bao giờ nói mình là ai nhưng các quan ở tỉnh nghĩ hắn là người quan trọng nên hắn tỏ ra quan trọng. Trong vở kịch này, khi xem khán giả sẽ thấy bóng dáng của nhiều vị quan chức địa phương trong đó. Đây là một vở thật sự khó đối với các diễn viên, kể cả những diễn viên kỳ cựu. Cách dàn dựng của vở rất mới, góc nhìn đạo diễn cũng rất mới… cho nên diễn viên cũng buộc phải thoát khỏi cách làm việc cũ để tiếp cận với cái mới", NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Không chỉ nhân vật Quan thanh tra rởm mà mỗi nhân vật trong vở hài kịch đều mang dấu ấn rất riêng của từng nghệ sĩ tham gia, họ tung tẩy, nhấn nhá và vô cùng hài hước, diễn như chơi và đón nhận hàng tràng pháo tay và tiếng cười không dứt từ khán giả. Bên cạnh các đàn anh, đàn chị là những “vơ - đét” của Nhà hát, xuất hiện nghệ sĩ trẻ Hà Vy vai con gái của viên thị trưởng, mới ra trường vào Nhà hát được 4 tháng nhưng sự tươi mát, trẻ trung và phong cách diễn hài nhí nhảnh đã thực sự chiếm được cảm tình của khán giả.

Hài kịch “Quan thanh tra”: Cuộc chơi sang của sân khấu kịch nói - Anh 5

Quan Thanh tra mang lại tiếng cười sâu cay

Dựng kịch kinh điển nhưng đạo diễn và ê kíp sáng tạo vở đã tìm ra chìa khóa tạo nên sự thành công cho vở hài kịch. Quan thanh tra được trình bày với một hình thức sân khấu ước lệ, giản dị và chủ đạo tập trung vào những điểm nhấn trong trang trí và diễn xuát của diễn viên. Cảnh trí của vở cũng gợi cho khán giả mường tượng tới cảnh bức tranh dân gian đám cưới chuột, và những nhân vật quan tham tự tới đút lót cho quan thanh tra “rởm” càng gợi nhắc tới cảnh trong đám cưới chuột, con mèo ngồi yên không làm gì nhưng đám chuột  thì lần lượt dâng lễ vật cho mèo.

Vận dụng sáng tạo hình thức của sân khấu truyền thống là ước lệ để dựng kịch kinh điển đã mang tới làm sang và hiện đại cho hài kịch kinh điển Quan thanh tra. Vở kịch mở ra nhiều góc nhìn đa chiều để mọi người soi thấu. Sẽ có cả những điều rất lạ lẫm nhưng có cả những điều rất quen thuộc. Hình ảnh các nhân vật quan chức ôm cái ghế từ đầu đến cuối vở kịch là một hình ảnh đa nghĩa về câu “giữ ghế” của quan chức mà thời nào cũng có.

Từ tháng 10 này, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức công diễn vở kịch Quan thanh tra, đây là món quà đặc biệt nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20.10 năm nay và chắc chắn sẽ là một vở diễn ăn khách của Nhà hát Kịch Việt Nam trong năm mới khi mà khán giả vừa muốn xem một vở hài kịch để giải trí, vui cười nhưng cũng đầy triết lý để suy ngẫm.

THÚY HIỀN, ảnh: TÙNG LINH

Ý kiến bạn đọc