Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn

VHO - Tối 26.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Lao động đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn.

Đến dự lễ trao giải có bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các tác giả đoạt giải.

Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn - Anh 1

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Lễ trao giải

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn khẳng định: Năm 2023, chúng ta kỷ niệm 80 ra đời Đề cương về Văn hoá Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: Văn hóa mới, văn hóa cách mạng phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Mảng đề tài về công nhân, người lao động và công đoàn đã từng đóng vai trò là một trong những dòng chảy chính trong nền văn học nước nhà sau Cách mạng tháng Tám và hòa bình lập lại ở miền Bắc với những tên tuổi lớn như các nhà văn Võ Huy Tâm, Xuân Cang, Huy Phương, Lê Phương, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hiểu Trường, Võ Khắc Nghiêm, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến… Qua những trang viết, hình ảnh người thợ được khắc hoạ đậm nét cho thấy vai trò của lực lượng công nhân, người lao động trong thời kỳ chúng ta vừa giữ nước, vừa dựng nước.

Theo Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi, cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân – người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học - nghệ thuật nước nhà. Thông qua các tác phẩm văn học, giúp xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay.

Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn - Anh 2

Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao giải Nhất cho các tác giả

Cuộc thi cũng khẳng định đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của người lao động, vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn đã và luôn là nguồn chất liệu vô tận đối với những tác phẩm văn học, từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị văn chương, có tính nhân văn cao cả, khơi dậy tình yêu đất nước, yêu công việc, yêu Công đoàn và khát vọng cống hiến của mỗi người lao động.

Sau 2 năm phát động, Ban Tổ chức nhận được 498 tác phẩm dự thi, với 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả đại diện cho mọi tầng lớp, trong đó phần lớn là các tác giả không chuyên, có cả học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật và Việt kiều gửi tác phẩm dự thi.

Hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề viết về công nhân, công đoàn với chất lượng được các thành viên Ban giám khảo qua hai vòng đều đánh giá cao. Phần lớn các tác phẩm đã vẽ lên được bức tranh sinh động về đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn. Nhiều tác phẩm đề cập đến hoạt động công đoàn ở cơ sở đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, với không ít khó khăn, vật cản, mà ở đó, người cán bộ công đoàn phải đương đầu, phải thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết và cả sự hy sinh để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động…

Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo cuộc thi đã làm việc rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, công tâm, khách quan và lựa chọn được 24 tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết được trao giải.

Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn - Anh 3

Các đại biểu cùng các tác giả đoạt giải

Đoạt giải Nhất ở thể loại truyện ngắn là tác phẩm Con đường của Hạ, tác giả Trịnh Thị Phương Trà (giải thưởng trị giá 150 triệu đồng). Tác phẩm đã tái hiện cuộc sống trong khu trọ nghèo của những phụ nữ đã đi qua thăng trầm, biến cố cuộc đời. Họ tìm về đây nương tựa vào nhau. Ở đó, Hạ - nhân vật chính đã phải vật lộn với muôn vàn gian khó để giữ trái tim ấm áp của mình. Hạ nhận được sự giúp đỡ của nhân vật “chị”, “chị” ẩn danh, ít xuất hiện, nhưng rõ nét dần qua những hành động, sự nỗ lực giúp đỡ những mảnh đời vất vả tìm lại được hạnh phúc.

Giành giải Nhất thể loại tiểu thuyết là tác phẩm Hoa xương rồng của tác giả Nguyễn Trí (giải thưởng trị giá 300 triệu đồng). Tiểu thuyết xoay quanh cuộc sống đầy biến động, thăng trầm với những biến cố, va đập vì mưu sinh của các thành viên trong một gia đình lao động. Tác giả Nguyễn Trí chia sẻ, ông đã viết về chính gia đình mình.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 6 giải Ba (3 tác phẩm thể loại truyện ngắn, 3 tác phẩm thể loại tiểu thuyết); 4 giải Nhì (2 tác phẩm thể loại truyện ngắn, 2 tác phẩm thể loại tiểu thuyết); 12 giải Khuyến khích (trong đó có 7 tác phẩm cho thể loại truyện ngắn và 5 tác phẩm cho thể loại tiểu thuyết) cho các tác phẩm xuất sắc.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc