Tìm giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng dạy văn học so sánh ở Việt Nam

VHO – Sáng 14.12, tại Hà Nội, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lí thuyết và những khả năng ứng dụng. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.

Tìm giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng dạy văn học so sánh ở Việt Nam - Anh 1

Hội thảo khoa học quốc tế Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lí thuyết và những khả năng ứng dụng

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, lý luận về văn học so sánh mới được quan tâm vài thập niên gần đây. Tại Viện Văn học, văn học so sánh đã được giới thiệu từ những năm 80 thế kỷ trước như một lý thuyết, và trở thành đối tượng nghiên cứu của một phòng nghiên cứu độc lập từ năm 2006. Bộ môn văn học so sánh đã được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật, ứng dụng về văn học so sánh xuất bản nhiều ở Việt Nam.

Văn học so sánh thường được hiểu là sự so sánh các văn bản từ các nền văn hóa hoặc ngôn ngữ khác nhau, hình thành như là một bộ môn trong khoa học nhân văn ở thời hiện đại; khoảng 100 năm trở lại đây về lịch sử phát triển của bộ môn này, các nhà lí luận văn học Việt Nam và trên thế giới thường xem châu Âu là cái nôi của văn học so sánh.

Cùng với quá trình hội nhập, việc nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Nam Á cũng được đẩy mạnh ở Việt Nam. Theo TS. Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, Đông Nam Á chưa hiện diện trong các công trình lịch sử phát triển bộ môn văn học trên thế giới. Sự thiếu vắng của văn học Đông Nam Á trong nghiên cứu văn học so sánh đã được nhiều nhà khoa học, nhiều đơn vị học thuật trên thế giới chú ý, tuy nhiên, đa phần sự thiếu hụt này được bàn thảo bởi các nhà nghiên cứu văn học phương Tây.

Năm 2021, số 81, Tạp chí Tư liệu lưu trữ Phương Đông thuộc Viện Đông Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội nước Cộng hòa Séc đã tổ chức một số chuyên đề Văn học Đông Á và Đông Nam Á trong Không gian văn học thế giới. Số này không nhận được một phản hồi nào về lời mời viết bài đến từ khu vực Đông Nam Á và chỉ có 1 bài viết về văn học Đông Nam Á, cụ thể là về văn học Malaysia, của một học giả đến từ Úc. Như thế, có thể thấy văn học Đông Nam Á còn thiếu vắng trong những nỗ lực của các nhà thực hành và lí thuyết văn học so sánh trong việc phát triển bộ môn này bằng cách hướng ra các nền văn học bên ngoài phương Tây.

Hiện nay, văn học Đông Nam Á đang được giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học như là một bộ môn của chuyên ngành văn học so sánh ở một số trường đại học phương Tây như Hoa Kỳ và Anh. Còn ở Việt Nam, văn học Đông Nam Á được nghiên cứu hệ thống từ những năm 1980, bắt đầu bằng công trình của các nhà khoa học làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cụ thể là công trình Văn học các nước Đông Nam Á do Nguyễn Tấn Đắc chủ biên xuất bản năm 1983. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều công trình về bộ phận văn học Đông Nam Á của Nguyễn Đức Ninh, Vũ Tuyết Loan, Nguyễn Sĩ Tuấn, Lại Phi Hùng, Lưu Đức Trung, Đỗ Thu Hà...

Tìm giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng dạy văn học so sánh ở Việt Nam - Anh 2

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

“Có một điểm nổi bật là văn học Việt Nam thường trở thành điểm quy chiếu, quy chuẩn trong việc diễn giải các nền văn học khác trong khu vực Đông Nam Á. Thực hành văn học so sánh sẽ giúp chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn nền văn học dân tộc mà còn mở rộng tầm nhìn về văn học các khu vực khác, thúc đẩy việc khám phá, đánh giá và lý giải những mối liên hệ giữa các nền văn học, văn hóa trong bối cảnh đòi hỏi đẩy mạnh giao lưu, hội nhập”, TS. Trần Thiện Khanh nhấn mạnh.

Tại Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về những vấn đề về lí luận, lịch sử, và thực hành của văn học so sánh Đông Nam Á. Cụ thể: từ việc định vị lại nền văn học Đông Nam Á trên bản đồ thế giới, khẳng định và làm rõ vị thế của văn học so sánh trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là lịch sử, đặc trưng và triển vọng về nghiên cứu lý luận và thực hành, ứng dụng của văn học so sánh Đông Nam Á; chỉ ra vai trò của lĩnh vực văn học so sánh đối với văn học dân tộc và các thiết chế văn hóa (các cơ sở đại học, viện, trung tâm nghiên cứu..) đối với việc hình thành, phát triển văn học so sánh.

Trên cơ sở so sánh, đối chiếu các tác phẩm văn học, các nền văn hóa trong khu vực Đông Nam Á hiện đại và đương đại từ cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, các nhà khoa học thảo luận về sự ảnh hưởng, tính phổ quát, tính khác biệt giữa các nền văn học, mở rộng ra một số vấn đề dân tộc, văn hóa, xã hội, lịch sử; đồng thời tìm kiếm giải pháp thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa các nền văn hóa, văn học, hướng tới việc xây dựng các dự án, chương trình văn học so sánh mới mang tính quốc gia và khu vực; xây dựng một diễn đàn khoa học chung về văn học so sánh Đông Nam Á; gợi ý, đề xuất các chủ đề nghiên cứu tiềm năng của văn học so sánh khu vực Đông Nam Á trong liên hệ với Bắc Á, Nam Á, Đông Á, phương Tây.

MINH HÀ; ảnh: THU THỦY

Ý kiến bạn đọc