Cảm nhận văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng

VHO - Ngày 23.3, tại Đường Sách TP Cao Lãnh (Công Viên Văn Miếu, tỉnh Đồng Tháp), NXB Tổng hợp TP.HCM phối hợp cùng UBND TP Cao Lãnh và một số đơn vị tổ chức giao lưu cùng tác giả - thầy giáo Trần Minh Thương, giới thiệu đến độc giả hai tác phẩm Dư vị miền xưa và Vấn vương hương vị bánh quê của ông.

Cảm nhận văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng - Anh 1

Chương trình giao lưu đề cập đến những nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng trù phú thể hiện trong tập sách Vấn vương hương vị bánh quê.  Người đọc khi thưởng thức “bánh quê” cảm thấy gần gũi và dễ tìm gặp hơn qua lời kể, tả lại của bà con miền quê, kết hợp với những kiến thức văn hóa dân gian của tác giả Trần Minh Thương sau nhiều chuyến đi tìm hiểu. 

Còn Dư vị miền xưa khiến cho người đọc nhớ mãi những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, những câu chuyện ông bà cha mẹ kể, đến những nỗi nhớ quê nhà thấm đượm trong lòng để mỗi người chúng ta nhắc nhớ và trở về. Cả hai tác phẩm đề cập đến phong cách sống và ẩm thực tinh hoa của dân tộc Việt, nhất là nếp sống của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói, các tác phẩm mà tác giả - thầy giáo Trần Minh Thương viết trong thời gian vừa qua và gần đây như Vấn vương hương vị bánh quê (2023) và Dư vị miền xưa (2024) đều mang dấu ấn sâu nặng về tình yêu quê hương và những giao đãi thân tình của con người miền Tây chân chất, nhiệt thành.

Là người sinh ra và lớn lên ở miệt đất Hậu giang, được trải nghiệm qua nhiều chuyến đi điền dã, lượm lặt ghi chép từ vốn sống dân gian, Trần Minh Thương đã đem đến cho bạn đọc những trang viết mang đậm nét văn hóa xứ này. Lan man, tản mạn ghi theo dòng ký ức, Dư vị miền xưa với mong muốn đưa độc giả về lại với miền xưa, nơi đó còn lắng đọng lại chút dư vị dịu mát, ngọt lịm của tình đất, tình người.

Ai đã từng trải qua những trò chơi thời thơ dại như tắm sông, mò tôm, bắt cá; những lần đi đào chuột, đặt vó, đặt lờ, soi nhái, thọt trứng kiến câu cá rô,… sẽ thấy bóng dáng của mình, của kỷ niệm qua những câu chuyện, những dòng tản văn man mác. Rồi chuyện theo mẹ, theo bà đi đám cúng cơm đến những chuyện nghe được từ những bậc trưởng thượng kể lại về cách ứng xử của tình sui gia, chuyện trộm cắp, chuyện đi uống cà phê sáng, chuyện chèo ghe đi chợ, chuyện mùa mưa đến, mùa nước nổi tràn đồng, mùa gió chướng thổi, mùa Tết hay việc cúng cô hồn các đảng.

Không gian văn hóa xưa ở Nam Bộ nói chung, ở miệt Nam sông Hậu (Hậu Giang) nói riêng đã dần thay đổi theo sự phát triển hiện đại hóa. Đời sống của người bình dân ở thôn quê cũng theo đó mà biến đổi. Trần Minh Thương đã ghi lại vào trang sách những ký ức một thời đã từng diễn ra trong đời sống người dân quê chân lấm tay bùn mà đậm đà tình nghĩa trong văn hóa ứng xử. Vì thế, tác giả đã chọn đề tài dư vị miền xưa làm trục chính cho các bài viết và khảo cứu của mình. 

Tác giả chia sẻ: “Khi viết những dòng này là tôi muốn tái hiện lại không gian ở đó có những nét văn hóa ứng xử vừa chân chất, mộc mạc, thắm đượm tình làng nghĩa xóm của người miền quê. Hơn thế, đó cũng chính là hơi thở, cuộc sống thời niên thiếu mà tôi đã từng trải qua”.

TÙNG THƯ

Ý kiến bạn đọc