EU tăng cường kiểm soát mạng xã hội

VHO- Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu - hai cơ quan có chức năng lập pháp của EU - vừa nhất trí đưa ra một bộ luật mới về kiểm soát và cấm quảng cáo với mục đích và nội dung chính trị trên mạng xã hội, cũng như về ngăn cản bên ngoài EU can thiệp, tác động vào các cuộc bầu cử trong EU.

EU tăng cường kiểm soát mạng xã hội - Anh 1

 Những công ty công nghệ sẽ phải tuân thủ các quy định của EU Ảnh: REUTERS

 Thực chất mục tiêu của đạo luật này là kiểm soát mạng xã hội và ngăn chặn việc sử dụng mạng xã hội vào mục đích chính trị. Đạo luật này cấm các công ty thu thập và phân tích dữ liệu về người sử dụng mạng xã hội để rồi xác định ra hình thức và nội dung thích hợp tác động trực tiếp tới nhận thức, quyết định và hành động của người sử dụng mạng xã hội. Đạo luật này còn cấm các mạng xã hội nhận tiền từ bên ngoài EU để quảng cáo, quảng bá, đưa tin phục vụ cho ý đồ của bên ngoài can thiệp trực tiếp, hoặc tác động gián tiếp vào các cuộc bầu cử ở bên trong EU.

Đạo luật này không chỉ đơn thuần là nỗ lực mới của EU nhằm kiểm soát nội dung trên các mạng xã hội và phương thức hoạt động của các mạng xã hội mà còn phản ánh nhận thức của EU về các nguy hại của mạng xã hội mà vẫn thường được gọi là mặt trái của mạng xã hội. Cho đến nay, các mạng xã hội đã nhanh chóng trở thành tác nhân quyền lực xã hội ở mọi nơi trên thế giới. Chúng được sử dụng rất rộng rãi, nên cũng không có gì là khó hiểu khi chúng nhanh chóng được sử dụng cả trong hoạt động chính trị ở nhiều nơi trên thế giới.

Sau khi ông Barack Obama đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ vào năm 2008, các nhà phân tích bầu cử ở Mỹ đều đi đến kết luận chung là người này đắc cử nhờ coi trọng vào việc sử dụng mạng xã hội trong vận động tranh cử. Năm 2016, hãng Cambridge Analytica ở Mỹ đã dùng kết quả phân tích dữ liệu thu thập được về dân Mỹ sử dụng mạng xã hội như thế nào để đưa ra cho ông Donald Trump chiến lược và thủ pháp vận động tranh cử thích hợp nhất và hiệu quả nhất. Người này đắc cử tổng thống Mỹ năm đó. Trong EU có quan điểm khá phổ biến là Nga và Trung Quốc tìm cách thông qua mạng xã hội để tác động trực tiếp tới các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia thành viên như Pháp hay Đức và tới cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Những ví dụ nói trên thật hư đến mức độ nào, hiện khó có thể xác định được rõ ràng. Nhưng về lý thuyết thì những chuyện như vậy, không những chỉ có thể mà còn rất dễ khả thi. Mạng xã hội vốn không bị hạn chế bởi ranh giới quốc gia. Công nghệ tin học càng phát triển thì trình độ của các hackers cũng càng được nâng cao, việc phổ biến và sử dụng tin giả, thao túng thông tin và nhận thức của người sử dụng mạng xã hội càng dễ dàng. Hệ luỵ chính trị và xã hội của việc sử dụng tin giả và thao túng nhận thức thông qua các mạng xã hội, vì thế vô cùng tai hại và nguy hiểm.

Đạo luật mới nói trên của EU vì thế rất cần thiết và quan trọng đối với EU và có thể là gợi mở rất hữu ích đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vấn đề đặt ra trong chuyện này không phải là cấm các mạng xã hội mà kiểm soát các mạng xã hội, đặc biệt đối với việc sử dụng các mạng xã hội vào việc quảng cáo, quảng bá và vận động cho các đảng phái chính trị. Đạo luật của EU, còn dự kiến thành lập một kiểu thư viện online về các hình thức và thủ thuật quảng cáo chính trị trên các mạng xã hội để người sử dụng và cơ quan quản lý mạng xã hội có thể truy cập và nhanh chóng nhận diện, phân biệt quảng cáo chính trị trên các mạng xã hội. Hiểu theo nghĩa rộng hơn thì đạo luật này cũng còn là nỗ lực mới nhất của EU nhằm tăng cường đảm bảo an ninh và công bằng xã hội trong không gian mạng xã hội. 

 THỤC LINH

Ý kiến bạn đọc