Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cơn “sốt” săn ngà voi ma mút ở Nga

Thứ Sáu 02/08/2019 | 10:59 GMT+7

VHO-  Vùng Yakutia chiếm gần 80% lượng ngà voi ma mút được bán từ phía bắc nước Nga đến Trung Quốc. Thị trường được quản lý còn lỏng lẻo này trị giá gần 40 triệu USD/ năm.

Ngà voi nằm sâu trong đất, đá

Phía bắc nước Nga từng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn con voi ma mút. Loài động vật cổ xưa này tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước vì nhiều yếu tố như săn bắt và biến đổi khí hậu. Những người thử vận may thường đổ đến vào mùa hè. Họ chỉ dùng những thiết bị đào và máy bơm nước đơn giản để tìm ngà voi. Nhiều công ty còn thuê thợ lặn mò tìm dưới đáy sông ở các vùng hẻo lánh.

Xuất hiện nhiều khi băng tan

Những người săn tìm ngà voi ma mút xuất hiện ngày một nhiều khi băng vĩnh cửu tan chảy ở phía bắc nước Nga, nếu may mắn họ có thể chen chân vào thị trường trị giá 40 triệu USD/năm. Nhiều nhà hoạt động và quan chức ở các vùng phía bắc nước Nga cảnh báo nguy cơ xuất hiện một “cơn sốt vàng” kiểu mới. Những người thử vận may từ khắp nơi đang đổ về khu vực để đào tìm ngà voi ma mút, theo Guardian. Băng vĩnh cửu tan chảy khiến việc tìm kiếm xác voi ma mút dễ dàng hơn trước. Ngà của loài động vật đã tuyệt chủng hàng nghìn năm trước được bán với giá rất cao tại thị trường Trung Quốc. Chúng được chế tác thành trang sức, dao và nhiều món hàng trang trí khác.

“Hoạt động khai thác xác voi ma mút cần được siết chặt quản lý”, Vladimir Prokopyev, một quan chức tại Yakutia, cảnh báo những tác hại của hoạt động này đối với địa phương. Thương lái Trung Quốc đã xuất hiện để thu mua trực tiếp từ người dân địa phương. Nhiều quan chức cảnh báo việc khai thác thiếu kiểm soát, hoặc một lệnh cấm toàn diện đối với mua bán ngà voi ma mút, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và sự phát triển bền vững của người dân địa phương. Vùng Yukatia đã đề xuất một đạo luật quản lý hoạt động khai thác và mua bán ngà voi ma mút. Trong lúc chờ chính quyền liên bang xem xét đạo luật, sản lượng ngà voi ma mút được khai thác mỗi năm đã tăng đến 100 tấn. Ngà voi ma mút đang được quảng bá tại Trung Quốc như một món hàng thay thế cho ngà voi bị săn trộm tại châu Phi. Ông Prokopyev ước tính trữ lượng ngà voi ma mút tại Yakutia có thể lên đến 500.000 tấn. Theo truyền thông Nga, mới có 70 tấn được phát hiện vào năm 2017 và 100 tấn được khai thác vào năm 2018.

Món hàng được săn lùng

Siberia từng là nơi sinh sống lý tưởng của loài voi ma mút khổng lồ. Người ta thường xuyên tìm thấy xác loài động vật này gần như nguyên vẹn bên dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Chúng giúp các nhà khoa học nghiên cứu về loài động vật đã tuyệt chủng và cung cấp cho con người khối lượng ngà voi khổng lồ. Nhóm nghiên cứu và làm phim của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic) đã theo chân người đàn ông Nga tên là Karl Gorokhov trong hành trình săn ngà voi ma mút trên hòn đảo hoang phía đông Siberia.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng sự đơn độc là những trở ngại lớn nhất trong những chuyến săn ngà voi. Thợ săn ngà voi ma mút dựa phần lớn vào khả năng quan sát và sự may mắn trong mỗi chuyến đi. Do những cá thể voi ma mút cuối cùng chết cách đây 3.700 - 10.000 năm nên xác voi nằm sâu dưới mặt đất nên không bị thời tiết khắc nghiệt hủy hoại. Thông thường, ngà voi ma mút nằm sâu dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Để tiếp cận vị trí chiếc ngà, thợ săn Gorokhov phải đào bới liên tục trong cả một ngày. Những chiếc ngà voi ma mút dài khoảng 3,5m và to như những cành cây. Chúng thường quặp vào trong và nặng khoảng 70kg. Những cặp ngà nằm sâu dưới đất thường được bảo quản gần như nguyên vẹn.

Gorokhov kể, khi còn nhỏ, ông thường thấy những chiếc ngà voi ma mút mục nát ở ven sông. Tuy nhiên, không ai nhận thấy tiềm năng của ngà voi ma mút với kinh tế khu vực. Khi cả thế giới hưởng ứng lệnh cấm buôn bán ngà voi, các thị trường hàng đầu thế giới như Trung Quốc phải tìm nguồn cung mới. Từ một thứ gần như vô giá trị, ngà voi ma mút bất ngờ trở thành món hàng được săn tìm, góp phần cải thiện cuộc sống người dân địa phương.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng tan, phát lộ nhiều xác voi ma mút nằm dưới lớp băng vĩnh cửu, giúp việc tìm kiếm ngà voi trở nên dễ dàng hơn. Những nghĩa địa voi ma mút mới lộ ra có thể đáp ứng nhu cầu ngà voi của các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản. Theo các số liệu, Trung Quốc tiêu thụ tới 90% lượng ngà voi ma mút ở Siberia, tương đương 60 tấn/năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại, tận thu ngà có thể làm mất những dữ liệu quan trọng về voi ma mút, điều kiện khí hậu và môi trường thời đó.

NGUYỄN HƯNG-D.T

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top