Cơ hội để các nước nghèo tiếp cận vắcxin

VHO- Trong bối cảnh chiến dịch phủ vắcxin ngừa Covid-19 toàn cầu “gặp khó” tại các nước thu nhập thấp vì thiếu nguồn cung, thì một số quốc gia lại đang phải tìm cách xử lý những lô vắcxin đã đặt mua mà không dùng đến.

Cơ hội để các nước nghèo tiếp cận vắcxin - Anh 1

 Vẫn còn một lượng lớn vắcxin ngừa Covid-19 chưa được sử dụng Ảnh: NY TIMES

Theo các chuyên gia, nếu lượng vắcxin được chia sẻ nhiều hơn cho các nước thu nhập thấp, sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, giảm thiểu các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.

Những liều vắcxin dư thừa

Trước những quan ngại về tác dụng phụ gây đông máu từ vắcxin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca và hãng Johnson & Johnson, một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm sử dụng các loại vắcxin này đối với nhóm người trẻ tuổi. Thậm chí, Đan Mạch còn quyết định ngừng sử dụng vô thời hạn vắcxin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca. Điều này đồng nghĩa với việc Đan Mạch còn dư thừa 2,4 triệu liều vắcxin AstraZeneca trước đó đặt mua. Bên cạnh đó, Nam Phi cũng đình chỉ việc phân phối loại vắcxin này, với lí do là ít hiệu quả trong việc đề kháng các biến chủng. Trong khi 100 triệu liều vắcxin Johnson & Johnson đã được Mỹ đặt mua cũng bị tồn kho, cho đến khi hoàn tất cuộc điều tra về mối liên hệ giữa vắcxin và tình trạng đông máu.

Hiện vẫn chưa có số liệu tổng quan về tình trạng dư thừa vắcxin ngừa Covid-19 trên toàn cầu, nhưng từ dữ liệu của từng quốc gia cũng có thể cho thấy hiện tượng chưa được sử dụng đến của một số lượng lớn vắcxin. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trung bình có hơn 20% số lượng vắcxin ở nước này chưa qua sử dụng. Đáng chú ý, một số tiểu bang còn vượt quá tỷ lệ này như Alabama (37%), Alaska (35%), Vermont (27%) và Bắc Carolina (24%). Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở một số nước đã ban hành những hạn chế trong việc tiêm vắcxin AstraZeneca và Johnson & Johnson theo nhóm tuổi. Dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDP) cho thấy, trong tổng số 202.920 liều vắcxin được Đan Mạch tiếp nhận trong ngày 15.4, chỉ có 150.671 liều được phân phối cho tiêm chủng.

Chia sẻ cho nơi cần

Thực tế, nhiều nước đang phải chật vật tìm kiếm nguồn cung vắcxin ngừa Covid-19 và sẵn sàng tiếp nhận số vắcxin không dùng đến của các quốc gia khác. Bởi vậy, ngay sau khi Đan Mạch thông báo loại bỏ vắcxin AstraZeneca ra khỏi chương trình tiêm chủng, nhiều nước láng giềng đã đề nghị mua lại lượng vắcxin dư thừa. Thủ tướng Lítva đã ngỏ ý sẵn sàng tiếp nhận vắcxin AstraZeneca từ Đan Mạch. Còn CH Séc cũng tuyên bố sự quan tâm của nước này trong việc mua tất cả vắcxin AstraZeneca mà Đan Mạch chưa dùng đến. Thêm vào đó, khoảng 1 triệu liều vắcxin AstraZeneca bị Nam Phi thu hồi cũng đã được phân phối cho 14 quốc gia châu Phi khác.

Trước đó, từ giữa tháng 3, Bộ Y tế Brazil đã phối hợp với Đại sứ quán Brazil ở Washington đàm phán với Mỹ về khả năng nhập vắcxin ngừa Covid-19 dư thừa của nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng đã thỏa thuận chia sẻ khoảng 4 triệu liều vắcxin AstraZeneca cho 2 nước láng giềng là Mexico và Canada. Trong khi Anh, nước đang sở hữu khoảng 450 triệu liều vắcxin cũng cam kết sẽ tài trợ phần lớn nguồn vắcxin “thặng dư” cho các nước nghèo hơn.

Thống kê của WHO cho thấy, sau 100 ngày triển khai chiến dịch tiêm vắcxin ngừa Covid-19, đã có 194 nước thực hiện tiêm chủng cho người dân và còn 26 nước chưa bắt đầu tiêm chủng. Toàn cầu đã có hơn 700 triệu liều vắcxin được phân phối, tuy nhiên có đến 87% trong số này thuộc về những nước có thu nhập cao, khá và trung bình, còn những nước có thu nhập thấp chỉ nhận được khoảng 0,2%. Nghĩa là, “vẫn còn một sự mất cân bằng đáng kinh ngạc trong việc phân phối vắcxin Covid-19 trên toàn cầu. Tính trung bình, ở các nước có thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người đã được tiêm chủng. Trong khi tại các quốc gia có thu nhập thấp, con số này là 1 trong hơn 500 người”, Tổng Giám đốc WHO quan ngại. Chính vì vậy, việc chia sẻ vắcxin ngừa Covid-19 giữa các quốc gia, để gia tăng cơ hội tiếp cận tiêm chủng cho các nước thu nhập thấp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.

Theo giới chuyên gia, COVAX với sứ mệnh chia sẻ vắcxin công bằng giữa các quốc gia, sẽ là con đường khả thi nhất để nhiều nước thanh lý và phân phối số vắcxin dư thừa ra thế giới. “Trong bối cảnh nguồn cung vắcxin đang ngày một hạn chế trong thời gian tới, các liều vắcxin được quyên góp từ các quốc gia dư thừa và được phân bổ công bằng thông qua COVAX sẽ là giải pháp quan trọng, để có được sự tiếp cận vắcxin công bằng và nhanh chóng trên toàn cầu”, đại diện Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng khẳng định. 

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc