“Nếp tiến vua”, sản vật nổi tiếng của Sa Huỳnh

VHO- Nếp ngự Sa Huỳnh hay còn gọi “Nếp tiến vua” là sản vật nổi tiếng có từ lâu đời của Quảng Ngãi. Nếp vàng thơm, được người dân địa phương tạo ra nhiều sản phẩm như xôi, bánh tét ăn một lần nhớ mãi và những chai rượu nếp ngự Sa Huỳnh trong vắt, phảng phất hương vị đồng ruộng cùng núi đồi và sóng gió biển khơi làm say đắm lòng người.

“Nếp tiến vua”, sản vật nổi tiếng của Sa Huỳnh - Anh 1

Anh Võ Văn Viên đang nâng niu từng bông nếp trĩu hạt

Anh Võ Văn Viên nông dân ở tổ dân phố La Vân, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ cho biết, nếp ngự Sa Huỳnh được trồng trong 4 tháng, hơn 1 tháng so với nếp thông thường. Nếp ngự có hạt to, tròn, dẻo, thơm ngon đặc biệt khó loại nếp nào sánh bằng. Giống nếp ngự Sa Huỳnh có nguồn gốc từ đâu và có từ bao giờ không ai biết rõ, chỉ biết rằng nếp ngự Sa Huỳnh trở thành đặc sản của vùng đất Sa Huỳnh. Mỗi sào nếp cho thu hoạch từ 6 - 7 bao nếp tươi. Với giá nếp đã bóc vỏ 20 nghìn đồng/kg, người dân có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/sào.
Vụ chính trồng nếp ngự Sa Huỳnh là vụ đông xuân. Đây là loại nếp chỉ thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất Sa Huỳnh, nơi lắm nắng nhiều mưa, bốn mùa lộng gió. “Khi nếp vừa làm đòng (đứng cái), hương thơm lan tỏa trong gió. Sáng sớm vác cuốc ra đồng thăm ruộng ngửi hương nếp sảng khoái lắm, thấy người khỏe hẳn ra. Gặt về nếp vẫn thơm, chà xát rồi bóc vỏ vẫn còn thơm. Mở nắp nồi xôi nếp ngự vừa nấu chín bốc mùi thơm phức là muốn ăn liền. Xôi dẻo ngon và mùi thơm dễ chịu lắm. Nhiều người mang giống nếp ở đây đến trồng nơi khác nhưng không thơm ngon bằng…”, ông Viên tâm sự.

“Nếp tiến vua”, sản vật nổi tiếng của Sa Huỳnh - Anh 2

Cánh đồng nếp ngự vàng thơm, loại nếp quý tương truyền là để tiến vua hàng năm được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ

Đến với vùng đất Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo, dọc theo tuyến đường Quốc lộ 1A của tỉnh Quảng Ngãi. Nếp ngự vàng thơm, loại nếp quý tương truyền là để tiến vua hàng năm được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Bao đời, cư dân Sa Huỳnh lưu truyền câu chuyện khá ly kỳ về hạt nếp quê mình. Thời xa xưa có một vị vua khi đi qua Sa Huỳnh đã ngự lại đây, dùng xôi và bánh tét chế biến từ một loại nếp có hương vị thơm ngon đặc biệt. Sau khi về cung, vua ra lệnh hằng năm địa phương phải tiến cống loại nếp ngon này cho vua. Có lẽ tên nếp ngự ra đời từ ấy và nhân dân lưu truyền, bảo tồn, gìn giữ mãi giống nếp quý này đến tận ngày nay.
Gần trọn đời gắn bó với giống nếp trao truyền từ tiền nhân, ông Nguyễn Thanh Xuân ở xã Phổ Châu chia sẻ, diện tích cấy trồng nếp ngày càng mở rộng so với trước. Những cánh đồng nếp vàng ven biển ngát hương níu chân lữ khách. Các món ăn: cốm, xôi, bánh tét, bánh ống, bánh rò, bánh hồng… góp phần giới thiệu hương vị Sa Huỳnh với bạn bè gần xa. Rượu nếp ngự Sa Huỳnh trong vắt, phảng phất hương vị ruộng đồng cùng núi đồi và sóng gió biển khơi làm say đắm lòng người.

“Nếp tiến vua”, sản vật nổi tiếng của Sa Huỳnh - Anh 3

Những bông nếp trĩu hạt tròn mẩy được bảo quản làm giống gieo trồng cho mùa sau

Người dân Sa Huỳnh bảo quản giống nếp quý để gieo trồng cho mùa sau khá công phu so với nơi khác. Họ chọn những bông nếp trĩu hạt tròn mẩy với sợi râu trên đầu rồi buộc thành bó treo ngược nơi thoáng mát. Bên trên mỗi bó giống gắn chiếc nón lá cũ ngăn lũ chuột vì “chúng rất thích ăn loại nếp dẻo thơm đến vua quan cũng thèm”.
“Những hạt nếp vừa khô vỏ được thương lái mua với giá cao từ 2,5 – 3 lần so với lúa sản xuất đại trà. Mỗi bông chỉ chọn được vài chục hạt làm giống. Hạt tròn mẩy, phải có râu nhưng không được quá dài thì nếp mới dẻo và thơm ngon”, ông Xuân cho biết.
Ông Nguyễn Hoành Sơn – Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu cho hay, hiện nay, địa phương đã dồn điển đổi thửa, xây dựng vùng chuyên canh trồng nếp ngự với diện tích trên 100ha. Hạt nếp Sa Huỳnh dẻo và thơm đặc trưng so với những nơi khác. Đặc biệt là nếp ngự rất kén chọn đất. Chỉ có ở xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) được thiên nhiên ban tặng cho những cánh đồng có chất đất đặc biệt thích hợp mới trồng được nếp ngự. Nếu đem giống nếp này đến trồng ở nơi khác thì sẽ không còn thơm ngon nữa. Cư dân nơi đây chỉ canh tác 2 vụ là đông xuân và vụ mùa, khoảng thời gian dịu mát trong năm.
Để bảo tồn giống nếp đặc sản vốn có tiếng với hạt to, tròn, dẻo, thơm hơn các loại nếp khác và quảng bá sản phẩm, nâng cao đời sống của người dân trong vùng, thời gian qua, UBND huyện Đức Phổ, Sở KH&CN Quảng Ngãi và chính quyền 2 xã Phổ Châu, Phổ Thạnh phối hợp xây dựng thương hiệu cho nếp ngự Sa Huỳnh. 
“Từ năm 2019 đến nay, HTX nông nghiệp Phổ Châu đã tiến hành xây dựng khu sơ chế và chế biến các sản phẩm từ nếp ngự mang nhãn hiệu “Nếp ngự Sa Huỳnh” như bánh nổ, cốm, bánh phu thê, rượu nếp, gạo nếp... HTX tổ chức thu mua, chế biến, đóng gói bao bì theo thương hiệu, giúp cho nông dân và thành viên HTX an tâm sản xuất, làm giàu từ cây nếp ngự nổi tiếng của quê hương mình, góp phần đưa hương thơm nếp ngự Sa Huỳnh ngày càng bay xa”, ông Châu nói.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc