Nỗ lực đưa áo Kebaya thành di sản văn hóa

VHO- Năm quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Brunei đã cùng đề cử áo truyền thống Kebaya vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Nỗ lực đưa áo Kebaya thành di sản văn hóa - Anh 1

 Hồ sơ áo Kebaya là di sản văn hóa phi vật thể đã được năm quốc gia Đông Nam Á trình lên UNESCO

Nhắc đến trang phục người phụ nữ Indonesia, người ta thường nghĩ ngay đến Kebaya, trang phục gồm một chiếc áo dài ôm sát cơ thể, cổ áo trước mở rộng, tay dài, chất liệu mỏng nhẹ như tơ hay cotton, mặc với chân váy batik họa tiết đặc sắc cuốn từ phần eo xuống gót chân. Vào khoảng thế kỷ XV-XVI, Kebaya được xem là một trang phục tôn quý, chỉ dành cho hoàng gia, quý tộc hoặc giới thượng lưu. Dần dần, trang phục này trở nên phổ biến và được công nhận là Quốc phục cho phụ nữ Indonesia. Tuy nhiên, trang phục này thường chỉ được mặc trong các ngày lễ lớn và các dịp kỷ niệm.

Để tôn vinh bộ trang phục truyền thống và giới thiệu nét đẹp văn hóa này rộng rãi hơn tới bạn bè thế giới, hội phụ nữ nước này đã phát động phong trào mặc Kebaya Indonesia trong cuộc sống hằng ngày. Cụ thể, phong trào này kêu gọi phụ nữ mặc Kebaya vào ngày thứ ba hằng tuần trong tất cả các hoạt động, kể cả khi đi chợ, làm việc hay đi chơi với bạn bè. Phong trào này đã được rất nhiều nhà hoạt động hưởng ứng, thậm chí một số nhà hoạt động cho biết đã sử dụng Kebaya để leo núi và lướt sóng. Hội Phụ nữ Indonesia cũng đã đề xuất lên chính phủ để chọn một ngày là Ngày Kebaya quốc gia.

Cô Novie Hilmanita, người bán Kebaya ở Indonesia cho biết: “Trước đây, chỉ có các gia đình hoàng gia mới mặc Kebaya và họ sử dụng các chất liệu như nhung hoặc gấm, nhưng ngày nay, Kebaya được may bằng lụa hoặc cotton giúp người mặc cảm thấy thoải mái dễ chịu, kể cả trẻ em cũng mặc trang phục này”. Bà Rahmi, Chủ tịch Phong trào mặc Kebaya Indonesia cho biết: “Chúng tôi muốn Kebaya được UNESCO công nhận là di sản văn hóa giống như Batik. Tôi nhận thấy, đâu đâu phụ nữ Indonesia cũng yêu quý Kebaya. Phong trào mặc Kebaya Indonesia được phát động không chỉ nhằm giới thiệu tới bạn bè thế giới, quan trọng hơn đó là giáo dục về một phần lịch sử và văn hóa Indonesia cho thế hệ trẻ”.

Còn tại Malaysia, trong các cửa hàng thời trang, những thợ may tỉ mỉ thêu những bông hoa rực rỡ để tôn thêm vẻ đẹp cho chiếc áo Kebaya. Chiếc áo Kebaya ở Malaysia thường được may bằng chất liệu mỏng nhẹ, thoáng mát như tơ tằm hay vải cotton. Nó được may sát người, hở cổ, tay dài rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á. Giá một chiếc áo Kebaya có thể dao động từ 7 USD - 1.200 USD (khoảng 165.000 đồng đến 28.000.000 đồng) tùy vào việc nó được may bằng máy hay khâu hoặc thêu tay. Người bán Kebaya ở Malaysia, chị Lim Yu Lin chia sẻ: “Việc đề cử chiếc áo Kebaya vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO sẽ giúp mọi người biết đến loại áo này nhiều hơn, không chỉ ở trong nước chúng tôi mà còn ra cả khu vực”.

Đối với người dân Singapore, trang phục truyền thống của phụ nữ nước này có tên Nonya Kebaya. Nonya kebaya là một loại trang phục thanh lịch, được coi là biểu tượng bản sắc mạnh mẽ của cộng đồng Peranakan ở Singapore và Đông Nam Á. Theo ông Yeo Kirk Siang, Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore: “Kebaya là trang phục truyền thống của phụ nữ và trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ XIX và XX nhờ việc trao đổi thương mại và đi lại giữa các quốc gia. Đây là một loại trang phục kết hợp giữa các nền văn hóa khác nhau trong khu vực, nhưng Kebaya ở mỗi nước đều có bản sắc riêng”.

Hồ sơ công nhận áo Kebaya là di sản văn hóa phi vật thể đã được năm quốc gia Đông Nam Á trình lên UNESCO và dự kiến kết quả sẽ được công bố vào cuối năm 2024. 

 THỤC LINH

Ý kiến bạn đọc