Hành trình của một phóng viên qua “Cõi người dưng”

VHO- Chiều ngày 18.6, nhằm hưởng ứng “Tuần lễ Sách của người làm báo”, tại Đường Sách TP.HCM đã diễn ra buổi trò chuyện với chủ đề “Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử - Hành trình của một phóng viên qua Cõi người dưng”. Chương trình mong muốn đóng góp một “sắc thái” riêng biệt từ báo chí nước ngoài. Cuốn sách Cõi người dưng - Nomadland của tác giả Jessica Bruder là một trong những cuốn sách dịch duy nhất, được giới thiệu trong “Tuần lễ sách của người làm báo”.

Hành trình của một phóng viên qua “Cõi người dưng” - Anh 1

Các diễn giả tại buổi giao lưu

Đồng hành cùng buổi trò chuyện là nhà báo Nguyễn Hồng Lam và dịch giả Y Khương. Cõi người dưng thuộc thể loại phi hư cấu (non fiction), ngay khi được ra mắt vào năm 2017 quyển sách đã trở thành hiện tượng của giới báo chí Mỹ. Quyển sách ngay lập tức xuất hiện trong danh sách “best-seller” và được The New York Times gọi tên trong các mục “Notable Book”. Tính cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra 25 ngôn ngữ (bao gồm bản dịch tiếng Việt). 

“Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử”

Để viết nên tác phẩm nổi tiếng Cõi người dưng, tác giả đã dành ba năm và đi hết 24.000km (suốt cả chiều dài nước Mỹ, sang tới tận biên giới Mexico và Canada) để thấu hiểu du dân, những con người sống toàn thời gian trên xe, làm các công việc thời vụ. Cô sẵn sàng đóng vai một lao động cắm trại trong thời khắc nghiệt âm độ C, một công nhân của Amazon trong mội trường làm việc đầy áp lực. Những nhân vật trong cuốn sách của cô, họ bị dạt ra khỏi dòng văn hóa chủ lưu (tức phải có nhà cửa, lương bổng cùng các chế độ phúc lợi đều đặn hằng năm) và việc trở thành du dân là do tình thế bắt buộc. Thế nhưng, họ vẫn quan niệm rằng phía trước họ là chân trời, phía trước họ là con đường và con đường thì trải dài ra ngút ngát, không biết lúc nào nó kết thúc và giấc mơ Mỹ trong họ thì không bao giờ tắt.

Theo nhà báo Nguyễn Hồng Lam: “Những gì diễn ra trong quyển sách này và được đề cập trong cuốn sách này đó là giai đoạn đầu tiên của con người lao động. Giai đoạn hiện đại có thể sẽ phải gặp phải. Cho nên nó là bản nháp của giai đoạn đầu tiên. Như dịch giả đã nhấn mạnh trong quyển sách, nó là một tiểu văn hóa, khu vực tiểu văn hóa mà đã gọi là khu vực hay tồn tại nào đó thì nó phải có sự hình thành, đây mới chỉ là một sự hình thành thôi”. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng quyển sách này không viết với phong cách của một nhà báo chính thống, mà viết theo một phong cách facebooker. Viết rất tự do nhưng tự do trong khuôn khổ của một người đầy tính chuyên nghiệp đã tự rào buộc mình, phần còn lại là hoàn toàn tự do. 

Đồng thời, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cũng nhấn mạnh với một cuốn sách như Cõi người dưng, nó không chỉ ảnh hưởng tực tiếp đến những nhân vật xuất hiện trong quyển sách này, mà nó còn ảnh hưởng đến chính chúng ta, chính bất kì ai mà không chỉ riêng ở xã hội Mỹ mà có thể ở xã hội Việt Nam. Do đó, người đọc đọc một cuốn sách xa lạ về những con người xa lạ, của một tác giả xa lạ nhưng khi đọc cuốn sách này các bạn sẽ thấy câu chuyện đó người ta viết cho mình và mình cũng có thể gặp trường hợp như vậy. Đó cũng chính là tính phát hiện rất cao của tác giả và đó chính là sáng tạo. 

Khi đọc Cõi người dưng chúng ta sẽ thấy tác giả đã đưa vào trong đó một lối viết phóng khoáng, rất phiêu du để người đọc có thể cùng với cô hiểu hơn về đời sống của những người dân Mỹ. Dịch giả Y Khương đã đưa ra cảm nhận về lối viết của tác giả: “Khi hỏi về văn phong của Jessica như thế nào thì mình cảm thấy văn phong nó rất quen thuộc và gần gũi qua quãng thời gian tiếp xúc”. Anh cũng chính là người chủ động liên hệ đến NXB Phụ nữ để dịch và in cuốn sách này. 

Trăn trở của người làm báo 

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: “Trong thực tế thì ở hàng ngũ làm báo của Việt Nam thì cũng có rất nhiều người theo đuổi để mà viết sách và nếu như chị Jessica đã mất 3 năm thì riêng cá nhân tôi, tôi đã mất nhiều hơn thế rất nhiều lần”. “Ở Việt Nam hiện nay không thiếu các nhà báo tự do nhưng hầu hết nếu mà gọi là nghề nghiệp thì ở Việt Nam bạn làm phóng viên, bạn không gắn với lại một tờ báo nào đó bạn không sống được vì không có lương. Còn khoản nhuận bút dành cho các bài báo thì nó quá ít ỏi, nó khó để bù đắp được các chi phí cho những chuyến đi”, ông bộc bạch. 

Ở phần giao lưu với khán giả, có sự góp mặt của nhà báo Trung Nghĩa anh cũng đã chia sẻ thêm về những kinh nghiệm việc đi tác nghiệp báo chí ở quãng đường xa: “Các bạn phải có một sự quyết đoán, dấn thân, chuẩn bị cho mục tiêu, kế hoạch của mình và phải lên kế hoạch rất kĩ. Vì để đi được những chuyến như Afghanistan thì phải có một sự chuẩn bị và phải cân nhắc rất nhiều vấn đề đến an ninh, liên quan đến những thủ tục, liên quan đến những tình huống xảy ra”. 
Cõi người dưng - Nomadland không tô vẽ hào nhoáng cho cuộc sống của những cư dân ấy. Họ khắc khổ, nhưng không khổ hạnh. Họ táo bạo, nhưng thực tế. Họ có vẻ cô độc, nhưng thực ra luôn quan tâm lẫn nhau. Để sống một cuộc đời du mục với cơ hội nhìn ngắm thế giới mỗi ngày, họ phải đánh đổi và trả giá không ít. Tác giả đã đưa ra một cái nhìn trung dung, giúp độc giả hiểu được những điều ẩn tàng đằng sau cái đẹp của sự tự do. Đó chính là một phần lịch sử sống động của nước Mỹ. Có thể nói Cõi người dưng là một “case study” của câu nói: “Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử” (nhà báo Mỹ Phil Graham - nguyên TBT của tờ Washington Post).

HỒNG DIỆU
 

Ý kiến bạn đọc