Tiếp nhận hơn 200 tác phẩm quý của danh họa Lê Bá Đảng

VHO - Tin vui cho giới mỹ thuật Việt là mới đây, hơn 200 tác phẩm tranh, tượng, không gian và dụng cụ sáng tác của danh họa Lê Bá Đảng đã được trao tặng cho Việt Nam. Những tài sản vô giá này do ông bà Lê Tất Luyện và Thụy Khuê trao tặng cho Nhà nước Việt Nam thông qua Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Tiếp nhận hơn 200 tác phẩm quý của danh họa Lê Bá Đảng - Anh 1

Đoàn lãnh đạo TP.HCM tiếp nhận các tác phẩm của danh họa Lê Bá Đảng từ bà Thụy Khuê

Buổi trao tặng diễn ra tại tư gia gia đình ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê đang sinh sống Paris (Pháp) vào sáng 25.6 (theo giờ địa phương). Đoàn lãnh đạo TP.HCM do Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê làm Trưởng đoàn; cùng dự còn có Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận; Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Trần Thanh Bình; PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - cũng là người đại diện duy nhất cho ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê tại Việt Nam, đã tiếp nhận bộ sưu tập từ gia đình.

Trái ngọt từ những tấm lòng 

Trước lần trao tặng bộ sưu tập giá trị lớn này, vào năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức 2 đợt tiếp nhận bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu - nữ họa sĩ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê trao tặng. Lần thứ nhất, tiếp nhận 20 tác phẩm, gồm 18 bức tranh gốc của họa sĩ Lê Thị Lựu và 2 bức là phiên bản. Bộ sưu tập này là của ông Ngô Thế Tân (chồng họa sĩ Lê Thị Lựu) di nguyện để lại cho vợ chồng nhà sưu tầm Lê Tất Luyện và nhà văn Thụy Khuê, thay mặt ông tặng lại Nhà nước Việt Nam. Và lần thứ hai là tiếp nhận toàn bộ bộ sưu tập của ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê (9 bức tranh khác cũng của họa sĩ Lê Thị Lựu nhưng thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông, trong đó có 1 bức của ông Ngô Thế Tân).

Xuyên suốt trong các tác phẩm của Lê Thị Lựu là chủ đề phong cảnh và con người. Đặc biệt, dù qua trường phái ấn tượng đã về chiều, nhưng bà đã làm sống lại hình ảnh những người phụ nữ thành thị lẫn thôn quê, trong các hình thức sinh hoạt đời thường, để thấy rõ sự thấm đậm tận cùng của tình mẫu tử. 

Tiếp nhận hơn 200 tác phẩm quý của danh họa Lê Bá Đảng - Anh 2

Từ trái qua: Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Trần Thanh Bình, bà Thụy Khê và PGS.TS Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM ký tên vào từng bức tranh

Như vậy, hiện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang lưu giữ tổng cộng 29 tác phẩm, trong đó 26 tranh gốc của nữ họa sĩ tài danh Lê Thị Lựu. Đây là những tác phẩm cực kỳ quý hiếm, được giới mỹ thuật đánh giá cao, một số tác phẩm thuộc hàng đẳng cấp, là dấu ấn quan trọng của nền hội họa Việt Nam trong mối quan hệ với hội họa thế giới. Những tác phẩm không chỉ vô giá ở ý nghĩa văn hóa, lịch sử, xã hội, là chứng nhân một thời của một giai đoạn phát triển đất nước, mà còn rất đắt giá trong thị trường tranh trên thế giới. Bảo tảng Mỹ thuật TP.HCM, bằng sự trân quý, hành động ứng xử với bộ sưu tập đã thực hiện đúng các yêu cầu của ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê đề ra để phát huy được các giá trị, phục vụ công chúng yêu nghệ thuật, tạo được tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật hiện nay.

Bộ sưu tập đã được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM triển lãm tại lầu 2 trong tòa nhà chính của bảo tàng. Với sự phát huy hiệu quả giá trị của bộ sưu tập, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tiếp tục nhận được hơn 200 tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng từ ông bà Lê Tất Luyện và Thụy Khuê. 

Bày tỏ sự cảm kích tấm lòng của ông bà với sự phát triển văn hóa và mỹ thuật ở TP.HCM, đại diện lãnh đạo TP.HCM và Sở VHTT TP.HCM đã tiếp nhận các tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng và trao tặng Bằng khen của UBND TP.HCM tại tư gia của ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê (tại Paris, Pháp). 

Tiếp nhận hơn 200 tác phẩm quý của danh họa Lê Bá Đảng - Anh 3

Theo bà Thụy Khuê, Lê Bá Đảng là họa sĩ lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20, tác phẩm của ông bao trùm trên nhiều lĩnh vực sáng tác, đề tài, tư tưởng. Tác phẩm của ông bao gồm hội hoạ, vi hoạ, hình hoạ (dessin), không gian (espace), điêu khắc, khắc hoạ. Bộ sưu tập ngoài giá trị nghệ thuật dành cho người thưởng lãm, còn có giá trị giáo khoa cho sinh viên hội họa, bởi nó phô bày không những kỹ thuật sáng tác mà cả con đường tư tưởng của họa sư. 

Phòng trưng bày các tác phẩm, công cụ sáng tác và một số kỷ vật của họa sĩ Lê Bá Đảng do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê trao tặng, dự kiến sẽ được khai mạc vào đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Yêu cầu Bảo tàng tạo dựng một không gian dành riêng để trưng bày tác phẩm Lê Bả Đảng

“Năm 2018, chúng tôi đã tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu, nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam. Năm 2019, chúng tôi dự định sẽ trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP bộ sưu tập tranh, tượng, không gian và dụng cụ sáng tác của họa sĩ Lê Bá Đảng. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, trong đó bao gồm dịch Covid-19, nên mãi đến cuối tháng 6 năm 2023 này, ý nguyện của chúng tôi mới được thực hiện.

Lê Bá Đảng là họa sĩ lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, tác phẩm của ông bao trùm lên nhiều lãnh vực sáng tác, đề tài và tư tưởng, tất nhiên phải có chỗ đứng xứng đảng trong lòng người Việt. Vì thế, chúng tôi quyết định đưa bộ sưu tập Lê Bá Đảng về với dân tộc Việt Nam, qua sự bảo tồn, lưu giữ và trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM”, bà Thụy Khê bày tỏ.

Trong biên bản giao, nhận hiện vật giữa bà Thụy Khê và đại diện phía Việt Nam - Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nêu rõ “sự trao tặng của gia đình đi đôi với một số điều kiện tất yếu, yêu cầu Bảo tảng phải cam kết”. 

Tiếp nhận hơn 200 tác phẩm quý của danh họa Lê Bá Đảng - Anh 4

Gia đình cho biết quyết định đưa bộ sưu tập Lê Bá Đảng về Việt Nam, qua sự bảo tồn, lưu giữ và trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Cụ thể, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cam kết sẽ bảo tồn và phát huy di sản Lê Bá Đảng trong những điều kiện tốt đẹp nhất. Bảo tàng cam kết sẽ in tập sách “Lê Bá Đảng cuộc đời và tác phẩm” do bà Thụy Khuê (Vũ Thị Tuệ) biên soạn. Những ảnh các tác phẩm đưa vào sách sẽ được chuyên viên của phái đoàn chụp khi sang Pháp. 

Tác phẩm Lê Bá Đảng bao trùm lên nhiều địa hạt: hội hoạ, vi họa, hình hoạ (dessin), không gian (espace), điêu khắc, khắc họa. Để trình bày đầy đủ những khía cạnh nghệ thuật này, cần có một diện tích rộng lớn. “Chúng tôi yêu cầu Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cam kết tạo dựng một không gian (một hay nhiều phòng) dành riêng để trưng bày tác phẩm Lê Bá Đảng, ghi rõ: Sưu tập Lê Bá Đảng do Thụy Khuê-Lê Tất Luyện tặng”, đại diện gia đình nhấn mạnh. Đồng thời, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cam kết sẽ đảm bảo an ninh, an toàn trong khu vực kho bảo quản và trong trưng bày để lưu giữ và phát huy tốt nhất bộ sưu tập này.

Ngoài ra, cũng theo biên bản, bà Phạm Lan Hương và ông Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, sẽ làm đại diện duy nhất cho Thụy Khuê-Lê Tất Luyện tại Việt Nam. “Bà Hương và ông Nhân có trách nhiệm giúp chúng tôi giám sát Bảo tàng thực hiện đúng cam kết này. Trường hợp Bảo tàng không thực hiện đúng cam kết trong hiện tại và tương lai, bà Hương và ông Nhân sẽ có trách nhiệm cùng với chúng tôi thu hồi toàn bộ sưu tập Lê Bá Đảng. Trong trường hợp này, Bảo tàng cam kết bàn giao toàn bộ sưu tập Lê Bả Đang để chúng tôi trao tặng cho Bảo tảng khác có khả năng thực hiện đúng theo những yêu cầu trên”, bà Thụy Khê cho biết.

THÙY TRANG 

 

Ý kiến bạn đọc