Thành công quá hóa ngại

VHO- Trong những ngày vừa qua, thế giới âm nhạc lại một lần nữa bị trí tuệ nhân tạo làm cho sôi động. Lần này, vụ việc liên quan đến nhóm nhạc huyền thoại của thập kỷ 60-70 trong thế kỷ trước - nhóm The Beatles.

Thành công quá hóa ngại - Anh 1

 Paul McCartney đã dùng trí tuệ nhân tạo lọc hết tạp âm cho sáng tác của Lennon vào khoảng năm 1978 với tên gọi là “Thủa ấy và bây giờ”

The Beatles do bốn chàng trai người Anh thành lập ở thành phố Liverpool, đó là John Lennon, Paul McCart ey, George Harrison và Ringo Starr. The Beatles được coi là một trong những nhóm nhạc thành công nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới. Vậy mà cái kết cục của nhóm lại khá bi thảm. Nhóm tan rã năm 1970 và sau đó không một lần tái hợp. John Lennon bị ám sát năm 1980. George Harrison qua đời vì ung thư phổi năm 2001. Nhưng nay, trí tuệ nhân tạo đã làm “hồi sinh” nhóm nhạc huyền thoại này.

Mới đây, Paul McCartney cho biết đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm nên một nhạc phẩm mới chung cho cả nhóm, tức là nhạc phẩm chưa từng được công bố từ trước đến nay và hoàn thành sau khi nhóm tan rã hơn nửa thế kỷ cũng như trong tình cảnh một nửa số thành viên của nhóm tạ thế từ rất lâu.

Trên mạng xã hội Twitter, Paul McCartney trình bày và giải thích rất cụ thể chuyện này. Sau khi nhóm tan rã, bốn thành viên của nhóm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc riêng. Tất cả không hẳn thất bại, nhưng đều không được thành công vang dội như thời cùng nhau làm âm nhạc trong nhóm The Beatles. John Lennon bị bắn chết ở New York (Mỹ) vào năm 1980. Mãi tới gần đây, người vợ của John Lennon trao cho Paul McCartney một cuốn băng từ, thời xưa gọi là băng cối, với dòng chữ đề ngoài “Dành cho Paul”. Trong băng từ này có những nhạc phẩm do Lennon trình bày. Đặc biệt ở đó là một sáng tác của Lennon vào khoảng năm 1978 với tên gọi là “Thủa ấy và bây giờ”. Đoạn băng ghi lại bài hát này có giọng hát của John Lennon nhưng pha trộn nhiều tạp âm khác, như thể đã được ghi âm lại tại nhà chứ không phải ở trong phòng thu được cách âm.

Paul McCartney cho biết, đã sử dụng một số công cụ của trí tuệ nhân tạo để lọc ra hết mọi loại âm thanh trong đó, chỉ giữ lại giọng hát của Lennon và âm thanh của những nhạc cụ chơi cùng. Sau đấy, trí tuệ nhân tạo đưa ra bản phối mà trí tuệ nhân tạo tin rằng nếu nhóm nhạc The Beatles vẫn còn hoạt động âm nhạc thì sẽ phối bài hát này như vậy. Theo bản phối ấy, trí tuệ nhân tạo hoà tiếng hát và âm thanh các nhạc cụ mà 3 người thường chơi vào giọng hát và âm thanh nhạc cụ mà Lennon đã chơi. Kết quả là bài hát “Thủa ấy và bây giờ” của nhóm The Beatles vào thời điểm 53 năm sau khi nhóm tan rã và sau khi chỉ có hai trong số 4 thành viên của nhóm còn sống. Paul McCartney loan báo trên Twitter rằng bài hát này sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Phản ứng và phản hồi của công chúng và dư luận rất sôi động và phấn khích, nhưng cũng lại có không ít ý kiến cho rằng như thế là sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh lừa người hâm mộ. Vì thế, Paul McCartney đã vội vã cài số lùi, quả quyết rằng trong việc công bố này không hề có chút “nhân tạo” nào. Động thái này không giúp ích gì vì trên thực tế là “vụng chèo khéo chống”. Chắc lúc ban đầu, Paul McCartney háo hức về việc trí tuệ nhân tạo có thể làm hồi sinh huyền thoại thủa nào, nhưng rồi vì thành công quá mà hóa ái ngại và lo ngại vì mặt trái của sử dụng trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc. Vụ việc này là bằng chứng thuyết phục mới về việc trí tuệ nhân tạo có thể làm thay đổi thế giới âm nhạc và tâm lý cũng như cách hưởng thụ âm nhạc của con người như thế nào.

Cùng là nhạc phẩm, tức là sản phẩm giống nhau, nhưng thực chất tác phẩm và sự tương tác giữa tác phẩm với con người rất khác nhau. Tác dụng có và phản tác dụng cũng có. Dùng trí tuệ nhân tạo như thế liệu có giúp khuếch trương thanh danh hay chỉ tạo nên hư danh. Vậy giới hạn ở đâu khi sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thế giới âm nhạc và ai bằng cách nào xác định giúp cho cộng đồng giới hạn ấy? 

 LƯ PHỔ ÂN

Ý kiến bạn đọc