Âm nhạc và tranh cử

VHO - Vận động tranh cử ở các nơi trên thế giới đòi hỏi phải có chiến lược thích hợp. Tất cả đều phải được suy tính kỹ càng và dàn dựng chu toàn thì mới có thể đưa lại hiệu ứng tác động cao nhất tới tâm lý và nhận thức của cử tri. Tất cả phải là một màn kịch hoàn hảo mà ứng cử viên là diễn viên chính và âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu đóng vai trò phụ trợ rất quyết định.

Âm nhạc và tranh cử - Anh 1

 Ông Trump "gặp khó" trong việc sử dụng ca khúc của một số ca sĩ để vận đng tranh c

Chính vì thế, những bài hát hay giai điệu được nhiều người ưa chuộng hay của những ca sĩ được đông đảo người mến mộ thường được sử dụng trong các hoạt động vận động tranh cử. Nhưng việc sử dụng những ca khúc lại có những rào cản nhất định về bản quyền mà bản quyền thuộc về ca sĩ hay công ty nào đó. Ứng cử viên có thể bỏ tiền ra để mua bản quyền và sau đó sử dụng phục vụ cho vận động tranh cử, nhưng cũng không hẳn cứ có tiền là mua được bản quyền bởi rất có thể hãng sở hữu bản quyền hoặc chính ca sĩ không đồng ý cho sử dụng, không phải vì không được ứng cử viên trả giá đúng mà đơn giản bởi hãng ấy hoặc ca sĩ ấy không ủng hộ ứng cử viên kia, không muốn tiếp tay cho ứng cử viên thắng cử bằng cách để cho ứng cử viên sử dụng ca khúc mà họ sở hữu bản quyền phục vụ cho vận động tranh cử. Chuyện này có thể thấy được một cách điển hình nhất ở trường hợp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tại ở Mỹ.

Ông Trump là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở nước Mỹ. Đối thủ của ông Trump gần như chắc chắn là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc phía Đảng Dân chủ. Mùa hè tới, đại hội của hai đảng này sẽ đề cử hai vị trên làm ứng cử viên Tổng thống chính thức của hai đảng.

Ông Trump tranh cử lần này là lần thứ ba và đã thật sự sành sỏi đến mức có được cả nghệ thuật vận động tranh cử riêng mà trong đóviệc sử dụng các ca khúc, giai điệu và danh tiếng của các ca sĩ luôn đóng vai trò rất quan trọng. Lần này cũng vậy. Tuy nhiên, ở lần vận động tranh cử này, ông Trump lại bị nhiều ca sĩ tuyên bố không đồng ý cho phép sử dụng các ca khúc của họ, hay gắn liền với sự nổi tiếng của họ. Bộ máy vận động tranh cử của ông Trump buộc phải chấp nhận không sử dụng những ca khúc ấy, hoặc chịu nộp phạt 150.000 USD cho một lần sử dụng không được cho phép.

Mới đây nhất, gia đình nữ ca sĩ Sinead O’Connor đã cấm ông Trump sử dụng ca khúc Nothing Compares 2 U. Cô ca sĩ này qua đời hồi mùa hè năm ngoái. Gia đình cô ca sĩ biện luận cho quyết định cấm kia là sinh thời, cô ca sĩ chẳng mến mộ chính khách Mỹ nào cả. Trước gia đình Sinead O’Connor, đã có 10 ca sĩ lừng danh khác chính thức không cho ông Trump sử dụng ca khúc của họ phục vụ cho cuộc vận động tranh cử hiện tại là: Prince, Rihanna, Guns N’ Roses, Adele, The White Stripes, Leonard Cohen, The Beatles, Everlast, Bruce Springsteen và Elton John.

Elton John là người Anh và thực ra không chính thức cấm ông Trump sử dụng hai bản hit là Rocket Man và Tiny Dancer, nhưng lại tuyên bố là không có cùng quan điểm chính trị với ông Trump nên gây bất lợi cho ông Trump. Bruce Springsteen lại dùng cách khác để không cho ông Trump sử dụng ca khúc Born in the U.S.A là tuyên bố ủng hộ đối thủ chính trị của ông Trump, như hồi năm 2016 đã ủng hộ bà Hillary Clinton. Ông Trump sử dụng bản rap Jump Around của Everlast. Ngay sau đó, Everlast đã yêu cầu tòa án cấm ông Trump sử dụng. Ông Trump muốn dùng bản rap này để tranh thủ cử tri thuộc diện giới trẻ. Ngay từ năm 2016, ban nhạc The Beatles đã cấm ông Trump sử dụng nhạc phẩm Here comes the Sun. Leonard Cohen thì không đồng ý cho ông Trump vận động tranh cử với bài hát Hallelujah. Rồi đến The White Stripes với bài Seven Nations Army, Adele với bài Skyfall, Guns N’ Roses với ca khúc Live and let die, Rihanna với bài Don’t stop the music. Trong khi các ca sĩ khác chỉ cấm một hai bài cụ thể, Prince và hậu duệ cấm triệt để ông Trump sử dụng các ca khúc của Prince.

Ở nước Mỹ, sự thể hiện thái độ của người nổi tiếng như những ca sĩ nói trên có tác động không hề nhỏ tới cử tri trong các cuộc bầu cử. Âm nhạc cũng tham gia bầu cử.

 THÙY DƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc