Các quốc gia Hồi giáo bắt đầu tháng lễ Ramadan

VHO – Hàng triệu tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới bắt đầu bước vào tháng Ramadan từ ngày 11.3. Theo truyền thống, các tín đồ này sẽ không ăn, không uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn.

Các quốc gia Hồi giáo bắt đầu tháng lễ Ramadan - Anh 1

Phụ nữ Hồi giáo đọc kinh Qur’an trong khi chờ thời gian nhịn ăn tại Indonesia  Ảnh: AP

Tháng lễ Ramadan - tháng lễ linh thiêng nhất trong năm đối với người theo đạo Hồi đã chính thức bắt đầu với các quốc gia Trung Đông bao gồm Ả Rập Saudi, Ai Cập, Syria, Sudan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào 11.3, nhưng tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Úc, Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore, tháng lễ Ramadan bắt vào hôm nay 12.3 sau khi không quan sát thấy trăng lưỡi liềm. Các quốc gia Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, Iran và Jordan cũng bắt đầu tháng Ramadan vào ngày hôm nay.

Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo kiêng ăn, uống, hút thuốc và quan hệ tình dục từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Ngay cả một ngụm nước nhỏ hay một hơi thuốc cũng đủ để làm mất hiệu lực của việc nhịn ăn. Vào buổi tối, các gia đình và bạn bè sẽ tụ tập và thưởng thức bữa tiệc trong không khí lễ hội.

Mục đích của việc này  là để các tín đồ tự kiểm soát bản thân khỏi các ham muốn tầm thường. Họ cũng được khuyến khích tránh đánh nhau hoặc chửi bới trong tháng thánh.

Năm nay, áp lực đè nặng lên các tín đồ Hồi giáo không chỉ bởi tình trạng lạm phát mà xung đột ở nhiều nơi khiến tâm trạng của họ bất an hơn nhiều so với các dịp lễ Ramadan trước đây. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza đã phủ bóng đen lên các lễ hội trong khu vực. Tháng Ramadan thường vui vẻ của người dân Palestine năm nay có phần u ám hơn vì 5 tháng xung đột vừa qua đã giết chết hơn 30.000 người Palestine và khiến phần lớn Gaza trở thành đống đổ nát.

Trong khi đó, ở Indonesia, nơi 90% dân số trong số 277 triệu người theo đạo Hồi, các lễ kỷ niệm bao gồm lễ diễu hành với đèn đuốc đầy màu sắc, chuẩn bị thức ăn cho bữa sáng trước bình minh và những bữa ăn cầu kỳ sau khi mặt trời lặn được gọi là “iftars”. Mỗi khu vực trên quốc đảo này có cách riêng để đánh dấu sự bắt đầu của tháng Ramadan. Các nhà thờ Hồi giáo tràn ngập tín đồ dâng lễ cầu nguyện buổi tối được gọi là “tarawih” vào tối 11.3. Tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, nhà thờ lớn nhất Đông Nam Á, hàng chục nghìn tín đồ chen chúc nhau cầu nguyện.

Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho việc kinh doanh. Các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê đều chuẩn bị các chương trình khuyến mãi đặc biệt trong tháng Ramadan, người mua sắm đổ xô đến các trung tâm thương mại để mua quần áo mới và đồ trang trí nhà cửa cho kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan.

Ở Malaysia, các nhà thờ Hồi giáo bắt đầu chuẩn bị món bubur lambuk, một món cháo truyền thống thịnh soạn được làm từ thịt và gia vị để phát miễn phí cho dân chúng trong tháng Ramadan. Nhưng đồng thời, các nhà phê bình kêu gọi mọi người hãy tiết kiệm thực phẩm. Chủ tịch hiệp hội Người tiêu dùng Penang,  Mohideen Abdul Kader cho biết: Ramadan được cho là tháng sùng kính mãnh liệt đối với người Hồi giáo nhưng đối với một số người, nó đã trở thành tháng tiệc tùng và chi tiêu lãng phí”. “Hiện nay, hơn 2 triệu người Palestine đang phải đối mặt với nạn đói nên chúng ta không nên vứt bỏ số lượng lớn thực phẩm trong tháng thánh”, ông nói thêm.

NGHIÊM THANH (Theo AP)

Ý kiến bạn đọc