Mong muốn phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam

VHO - Ngày 23.3.2024 tại không gian văn hóa Làng Gà trống (Hà Nội ), Hội Truyền thông TP. Hà Nội, Làng Gà trống, Công ty truyền thông Megalink và các đối tác phối hợp tổ chức sự kiện “Chuyện về bánh mì”.

Mong muốn phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam - Anh 1

Các diễn giả và khách mời tham dự sự kiện 

Tham gia chia sẻ tại sự kiện “Chuyện về bánh mì” có TS. Vũ Thế Long, chuyên gia nghiên cứu ẩm thực; Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Văn Thao ; TS. Trần Thu Dung, Chủ tịch Hội trao đổi Văn hóa Việt Nam tại Pháp; ông Lê Anh Vũ, founder Nhà hàng Cincin; Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội, founder thương hiệu Bánh mì Phố Hà Hải Đoàn.

Sự kiện đươc tổ chức nhân kỷ niệm ngày “Bánh mì Việt Nam” được thế giới công nhận và đưa vào từ điển Oxford của Anh, bổ sung món bánh mì vào danh sách từ mới.

Trả lời câu hỏi “Bánh mì từ đâu tới?” TS. Vũ Thế Long, chuyên gia nghiên cứu ẩm thực chia sẻ, những năm 50 của thế kỉ trước, ở miền Bắc Việt Nam, người ta gọi bánh mì là bánh Tây, thứ bánh của người phương Tây, cụ thể là người Pháp đưa vào. Do hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh địa lí và thăng trầm kinh tế mà “bánh tây” hay bánh mì  dần dần được xâm nhập vào đời sống của dân Việt.

Mong muốn phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam - Anh 2

Trưng bày  tại sự kiện

Từ chỗ bị từ chối bởi tâm lí kì thị, như cụ Nguyễn Đình Chiểu- nhà yêu nước chống Pháp  (1861) trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc đã từ chối bánh mì Tây mà than “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ…”,rồi dần dần bánh mì đã đi vào đời sống của dân Việt từ Nam ra Bắc.

Từ chỗ bột mì là thứ bột đắt tiền, khó mua; bánh mì là  thực phẩm sang mà chỉ dân thành phố năm thì mười họa mới được ăn, dân nông thôn hiếm có dịp biết tới; người dân Hà Nội mỗi lần từ nơi sơ tán trở về bao giờ cũng tìm cách mua cho được bánh mì mua bằng tiền và tem phiếu để làm quà cho gia đình mình sơ tán ở nhờ…, đến chỗ phải ăn bánh mì thay gạo là một nỗi vất vả.

TS. Trần Thu Dung, Chủ tịch Hội trao đổi Văn hóa Việt Nam tại Pháp chia sẻ, ảnh hưởng của ẩm thực của Pháp đến ẩm thực Việt Nam rất nhiều, đặc biệt trong ngôn từ. Chữ “bánh mì” tiếng pháp là Pain de mie. Ở nước ngoài bây giờ rất nhều người thích ăn bánh mì Việt Nam. Việt Nam nên đăng ký bản quyền bảo hộ thương hiệu “Bánh mì Việt Nam” và phát triển ra các nước trên thế giới.

Mong muốn phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam - Anh 3

Thương hiệu Bánh mì Phố tham gia sự kiện 

Ông Hà Hải Đoàn, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội, người sáng lập thương hiệu Bánh mì Phố chia sẻ câu chuyện ra đời và phát triển thương hiệu Bánh mì Phố. Bánh mì Phố là một chuỗi cửa hàng ra đời từ năm 2015. Từ cửa hàng đầu tiên ở Quận Hoàn Kiếm, đến nay Bánh mì Phố đã có 11 cửa hàng tại Hà Nội, có bếp trung tâm và mở rộng phát triển bằng hình thức nhượng quyền.

Triết lý phát triển của Bánh mì Phố là Ngon và Lành. Vỏ bánh mềm hơn vỏ truyền thống nhưng cứng hơn vỏ burger và sandwich. Dễ ăn và phù hợp với hầu hết mọi người. Các loại nhân thịt và rau đều tươi trong ngày. Nước xốt tuyệt hảo là công thức riêng của Bánh Mì Phố và là yếu tố quan trọng để kết nối giữa vỏ bánh, nhân bánh tạo ra sự hài hòa, dễ ăn. Vỏ bánh nâu men tự nhiên. Nhân bánh đầy đặn đủ đầy.

Mong muốn phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam - Anh 4

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên đăng ký bản quyền bảo hộ thương hiệu “Bánh mì Việt Nam” và phát triển ra các nước trên thế giới

Ông Lê Anh Vũ, người sáng lập Nhà hàng Cincin tại Hà Nội chia sẻ về món tủ “Bánh mì chảo” - sự giao thoa ẩm thực Việt và Pháp. Trứng lòng đào được chế biến giữ trọn phong cách người Việt: lòng trắng thì giòn rộp và lòng đào dẻo sánh. Ngoài ra, bánh mì nướng kiểu Pháp còn được ăn kèm cùng lạp xưởng tươi có tiêu hạt nhằm tăng vị, pate công thức nhà làm áp xém mặt. Bẻ miếng bánh mì, quệt vào nước sốt béo ngậy, trải nghiệm bánh mì chảo Cincin, thực khách thậm chí có cảm giác như đang tận hưởng một góc Paris và Hà Nội cùng một lúc.

Ông Tạ Đức, nhà nghiên cứu dân tộc học là con của Ông Tạ Văn Phồn có cửa hàng sản xuất bánh mì Gia Long danh tiếng ở Hà Nội thời những năm 1950s. Ông kể kỷ niệm về cửa hàng bánh mì ở phố 48 Bà Triệu (xưa gọi là phố Gia Long) cung cấp bánh mì ngon cho người dân. Hồi đó, Đại sứ quán Pháp và Sứ quán Liên Xô cũng đặt bánh mì của nhà ông.

Bà Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hội Truyền thông TP. Hà Nội thay mặt BTC chia sẻ: “Thông qua việc tổ chức sự kiện Chuyện về Bánh mì, chúng tôi mong muốn thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực, các đầu bếp, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì cùng thảo luận, chia sẻ để tìm ra những giải pháp bền vững, sáng kiến hay để  phát triển Bánh mì Việt Nam trong nước và ra quốc tế”.

HÀ QUYÊN

Ý kiến bạn đọc