Phòng, chống doping trong thể thao: Cần có giải pháp khắc phục triệt để

VHO - Doping là câu chuyện của thể thao toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống doping không theo kịp những kẻ gian lận, mặc dù sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp quy trình xét nghiệm và phát hiện các loại chất kích thích ngày một tốt lên.

 Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những vận động viên và các “kẻ gian lận” cũng trở nên tinh vi và khôn khéo hơn khi sử dụng các loại thuốc tăng cường thành tích. Vậy làm sao để doping không còn là vấn nạn với thể thao thế giới và với Việt Nam? Các chuyên gia hiện đang nghiên cứu để tìm ra câu trả lời này. 

Phòng, chống doping trong thể thao: Cần có giải pháp khắc phục triệt để - Anh 1

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Ảnh: THÁI DƯƠNG

Những ví dụ “điển hình” 
Các chuyên gia nhận định, công nghệ phòng, chống doping đi sau công nghệ doping khoảng 10 năm. Vì vậy chống lại doping là một cuộc chiến hết sức phức tạp. Năm 2017, Ủy ban Olympic quốc tế thống kê tổng chi phí cho việc chống doping lên tới 300 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, cựu Giám đốc cơ quan này cho rằng quy trình và phương pháp xét nghiệm chống doping của thế giới cần có những sự thay đổi mang tính quyết liệt. 
GS.TS.BS Lê Quý Phượng - Ủy viên Hội đồng Y học Ủy ban Olympic châu Á, Phó ban Y học và phòng, chống doping - Ủy ban Olympic Việt Nam nêu ví dụ đầy thuyết phục: Trong lịch sử doping của thể thao thế giới có thể kể đến một số trường hợp điển hình như tay vợt lừng danh người Mỹ Andre Agassi. Năm 1998, Agassi bị phát hiện sử dụng chất cấm, anh đã giải thích chỉ là vô tình uống phải một loại đồ uống do một thành viên trong đội ngũ của mình đưa cho. Kết quả, Agassi được tha bổng. Hơn 12 năm sau, Agassi bất ngờ thú tội, nhưng thời hạn cho việc truy tố đã hết và anh không phải chịu bất cứ hình phạt nào. Từ câu chuyện trên, Cơ quan phòng, chống doping thế giới (WADA) quyết định nâng thời hạn tái xét nghiệm các mẫu thử của VĐV lên đến 10 năm và thêm vào đó còn có một số ngoại lệ để trừng phạt các VĐV, như trường hợp của tay đua Lance Armstrong. 
Những mẫu xét nghiệm của Armstrong được chứng minh dương tính vào năm 2012, khiến anh bị tước sạch mọi danh hiệu từ năm 1998. Khoa học luôn cố gắng bắt kịp các cách thức gian lận trong giới thể thao. Trọng tâm của cuộc chiến chống doping được đặt vào việc cố gắng xác định các hóa chất cụ thể trong nước tiểu của vận động viên. Năm 2009, khi hộ chiếu sinh học ra đời, đã có hơn 200 VĐV bị bắt doping. Trường hợp mới đây là tuyển thủ Saudi Arabia Fahad Al-Muwallad mất suất dự World Cup Qatar 2022 vì dương tính với chất cấm Furosemide - một loại thuốc lợi tiểu để giảm tích nước và che giấu sự hiện diện của chất steroid đồng hóa, nằm trong danh sách cấm của WADA. 
Trong một cuộc khảo sát ẩn danh, tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2011, có tới 44% vận động viên thừa nhận đã sử dụng doping nhưng chỉ có 1-2% mẫu thử nghiệm là dương tính. Hầu hết các trường hợp dùng doping đều phải mất nhiều năm mới được phát hiện. Ông Ali Jawad - vận động viên cử tạ, chia sẻ: “WADA chỉ phát hiện ra 1-2% mẫu xét nghiệm dương tính, nhưng sự thật có thể lên đến 30-40%. Tiến độ chống doping không theo kịp những “kẻ gian lận”. Họ cần cải tổ và thay đổi, nếu chỉ bắt được 1 hoặc 2% thì có bao nhiêu vận động viên sạch sẽ đã bỏ lỡ những huy chương họ xứng đáng nhận được”. Tuy nhiên bài toán chi phí vẫn là áp lực chính trong cuộc chiến này. Tính đến tháng 8.2021, chi phí cho việc xét nghiệm chống doping của WADA đã tăng khoảng 30% so với giai đoạn 2017. Bên cạnh đó, chi phí cho nghiên cứu khoa học và phát hiện chất cấm mới trong danh mục của WADA cũng tiêu hàng chục triệu USD mỗi năm. 
Tại Việt Nam, kể từ năm 2003 đến trước SEA Games 31 (2022), TTVN ghi nhận 19 trường hợp dính doping và đã phải nhận án phạt với các mức độ khác nhau. Đáng tiếc nhất, trong số những VĐV này có cảnhững tuyển thủ quốc gia nhiều năm thi đấu quốc tế và đã đóng góp nhiều thành tích cho TTVN. Doping đã trở thành nỗi nhức nhối trong bối cảnh, TTVN hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới và đã cam kết phòng, chống doping trong hoạt động thể thao với các tổ chức quốc tế. 
Vấn đề doping tại SEA Games 31 đã trở thành nỗi nhức nhối với thể thao nước nhà. Kiểm tra trước SEA Games có 6 VĐV Thể hình dương tính với các chất cấm và sau Đại hội là 6 VĐV. Tại Đại hội TDTT toàn quốc cuối năm 2022, chúng ta phát hiện 17 mẫu dương tính với các chất cấm. Gần đây nhất là trường hợp của một nữ vận động viên Aerobic giành HCV tại Giải vô địch châu Á, đã bị tước HCV và cấm thi đấu trong 2 năm. 

Phòng, chống doping trong thể thao: Cần có giải pháp khắc phục triệt để - Anh 2

Không ít VĐV Việt Nam dính doping và bị tước huy chương ở các giải đấu quốc tế

Tăng cường công tác giáo dục 
Về vấn đề phòng, chống doping tại Việt Nam, sau khi ký vào Công ước Copenhagen về chống doping trong thể thao, chúng ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Thể thao Việt Nam cũng mở nhiều lớp tập huấn, nhiều đợt tuyên truyền, lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều giải đấu nhưng những án phạt vẫn đến một cách đau xót. 
Về nguyên nhân sử dụng doping, TS Lê Quý Phượng cho rằng có thể ở giai đoạn đầu thì việc kém hiểu biết về doping là nguyên nhân chủ yếu. Hiện nay lý do này sẽ không thật sự thuyết phục vì chúng ta có đầy đủ văn bản pháp quy quản lý nhà nước về công tác này (Quyết định 44 và Thông tư 17) và có hẳn một Trung tâm chuyên trách về phòng, chống doping trong thể thao và công tác tập huấn, phổ biến quy định của WADA đến các Trung tâm huấn luyện, HLV, bác sĩ và VĐV, đặc biệt là VĐV các đội dự tuyển quốc gia. 
Các nguyên nhân nữa theo TS Lê Quý Phượng là vì trách nhiệm của HLV, bác sĩ và các Trung tâm huấn luyện, đào tạo VĐV chưa cao. Việc kỷ luật, chế tài mới chỉ thuộc về VĐV. Các giải vô địch quốc gia từng môn ở các lứa tuổi, đội tuyển, các tỉnh, thành, ngành chưa quan tâm đến công tác này. Đây là một “khoảng trống mênh mông” để vấn nạn doping tồn tại và phát triển. Thêm vào đó, nhờ sự phát triển của thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ số và các trang mạng xã hội, mà việc tìm hiểu phương pháp, cách thức sử dụng doping rất dễ dàng. Các phương tiện thông tin đại chúng chưa tham gia nhiều vào việc phổ biến, cảnh báo và nêu rõ tác hại của việc sử dụng doping. Các Liên đoàn, Hiệp hội thểthao quốc gia chưa có nhiều vai tròvà trách nhiệm trong công tác phòng, chống doping. Trung tâm Doping và Y học thể thao chưa thể xét nghiệm được các chất cấm và phương pháp cấm trong Prohibited List của WADA. Kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống doping trong hoạt động TDTT rất lớn. 
Theo vị chuyên gia đầu ngành này, để giải quyết có hiệu quả và tiến tới loại trừ vấn nạn doping trong hoạt động TDTT tại nước ta, cần thực hiện một số giải pháp như tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tinh thần “Fair Play” trong tập luyện và thi đấu thể thao; từng bước triển khai test doping tại các giải thể thao từng môn và Đại hội TDTT các cấp; sửa đổi, bổ sung, cập nhật một số vấn đề ở Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL “Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao” theo hướng quy định các biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn không chỉ với vận động viên, mà còn với HLV, bác sĩ, Trung tâm đào tạo...; tăng cường vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia… 
“Phòng, chống doping trong hoạt động TDTT là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, nhưng không thể không làm vì sự phát triển lành mạnh và bền vững của TTVN”, TS Lê Quý Phượng kết luận. 

 Chiều 22.3, Hội thảo khoa học “Vai trò của thực phẩm bổ sung trong nâng cao thành tích và phòng chống doping cho VĐV thành tích cao” được tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trong vài năm trở lại đây, Thể thao Việt Nam phát hiện một số trường hợp vận động viên dương tính với chất cấm (chất doping). Đây là vấn đề cấp thiết mà ngành TDTT cần có giải pháp khắc phục triệt để.

“Chúng ta thấy nổi lên vấn đề do thiếu hiểu biết về các chất doping và nguy hại hơn là các VĐV tự ý mua các thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường mà chưa được phép của bác sĩ, huấn luyện viên và các Trung tâm huấn luyện thể thao. Điều này cũng cảnh báo, bên cạnh lợi ích của thực phẩm bổ sung nhằm tăng cường thành tích thể thao, thì nguy cơ vi phạm sử dụng các chất cấm không hề nhỏ. Tôi trân trọng đề nghị các nhà khoa học, các huấn luyện viên, VĐV và các nhà quản lý TDTT hết sức lưu tâm đến vấn đề này”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc