Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Đánh thức” nền công nghiệp bóng đá ở Việt Nam

Thứ Tư 09/11/2022 | 11:34 GMT+7

VHO- Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ IX vừa được tổ chức đã tìm ra 17 ủy viên ban chấp hành, trong đó có 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch.

 Những thành công của đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia là tiền đề tốt để phát triển công nghiệp bóng đá Ảnh: VFF

Ban chấp hành khóa mới với những nhân tố mới được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mát vào đời sống bóng đá Việt Nam và đặc biệt sẽ tìm được các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp bóng đá còn tiềm ẩn ở nước ta.

Thời điểm thuận lợi để phát triển

Theo các chuyên gia, một trong những việc quan trọng để “đánh thức” nền công nghiệp bóng đá Việt Nam là chúng ta cần xây dựng thương hiệu cho đội tuyển quốc gia, nhất là sau những thành công vừa qua. Việc xây dựng thương hiệu đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bóng đá nước ta giai đoạn hiện nay, mở ra tương lai xán lạn hơn cho bóng đá nước nhà hội nhập mạnh mẽ với nền bóng đá thế giới.

Theo thạc sĩ Trần Thuỳ Chi (Chủ tịch HĐQT Vietcontent) đơn vị tư vấn và tiếp thị tài trợ SEA Games 31, hiện chúng ta đang có nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng thương hiệu cho đội tuyển. Bà Chi phân tích: “Như chúng ta đã biết, thành tích nổi bật của đội bóng U23 Việt Nam khi lọt tới trận chung kết Giải U23 châu Á năm 2018 là một cú hích cảm xúc vô cùng lớn đối với người hâm mộ. Thông qua đó, lượng người theo dõi đội tuyển Việt Nam tăng vọt. Theo báo cáo đo lường của Kantar Media, riêng trận chung kết U23 châu Á mà đội tuyển Việt Nam tham dự, chỉ số ratting (chỉ số đo lường phần trăm khán giả theo dõi truyền hình tại một thời điểm) đạt con số kỷ lục là 72.0. Và đi cùng với đó là lượng tiền đổ vào quảng cáo tăng vọt, các nhãn hàng tranh nhau từng vị trí quảng cáo trong trận đấu và giá một TVC 30’’ (clip quảng cáo) cũng đạt kỷ lục chưa từng có với gần 1 tỉ đồng/spot”.

Theo Transfermark, giá trị của đội tuyển U23 Việt Nam sau chiến tích Thường Châu tăng lên gấp 3 lần, từ 1,7 triệu euro lên 5,1 triệu euro. Chưa hết, theo một điều tra của Báo Thiếu niên tiền phong Nhi đồng, sau thành công của đội tuyển U23 Việt Nam, tỷ lệ các em học sinh tiểu học và THCS đăng ký học bóng đá tăng vọt. Tiếp theo đó là các dịch vụ dạy và tổ chức tập luyện, thi đấu bóng đá nở rộ.

Từ những phân tích trên cho thấy, thành tích của đội tuyển sẽ giúp cho giá trị của đội tuyển gia tăng nhanh chóng. Ngược lại khi thành tích thi đấu đi xuống cũng sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới hành vi của người hâm mộ, cũng như làm giảm giá trị thương mại của đội bóng. Việc bị loại ngay từ những vòng thi đấu ngoài ở các giải đấu quan trọng, khiến cho doanh thu từ việc bán vé, tài trợ cũng như bản quyền truyền hình của đội bóng bị giảm sút.

Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cho đội tuyển?

Theo bà Chi, ngoài yếu tố thành tích, các yếu tố khác tác động đến thương hiệu đội tuyển là các cầu thủ, huấn luyện viên (ngôi sao của đội bóng) những người vừa tạo nên thành tích, vừa tạo nên giá trị thương hiệu của đội bóng. Yếu tố nữa là truyền thông, được hiểu là các quyền truyền thông, chiến lược truyền thông và các yếu tố truyền thông khác xung quanh đội bóng. Yếu tố quan trọng nữa là hệ thống cơ sở vật chất tập luyện và thi đấu. Thông thường các đội tuyển quốc gia khác sở hữu sân vận động quốc gia và hệ thống tập luyện, thi đấu của riêng mình. Qua đó ngoài việc tổ chức các trận đấu, đội bóng còn khai thác thương hiệu thông qua việc tài trợ, quảng cáo tại địa điểm. Từ những yếu tố trên chúng ta sẽ xem xét thực trạng đội tuyển bóng đá quốc gia dưới góc độ đánh giá, xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu đội tuyển.

Hiện nay trong các báo cáo, kế hoạch của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mới đặt ra mục tiêu doanh thu cho việc khai thác tài trợ, quảng cáo của đội tuyển quốc gia, chứ chưa có mục tiêu tổng thể xây dựng và khai thác thương hiệu đội tuyển quốc gia. Do thiếu định hướng tổng thể nên các kế hoạch thực hiện mới chỉ nhắm đến việc khai thác thương mại đơn giản mà bỏ qua nhiều khâu trong chiến lược xây dựng giá trị thương hiệu. Đội tuyển Việt Nam hiện nay chưa có bộ nhận diện thương hiệu hoàn thiện. Ngoài áo đấu của đội tuyển quốc gia hầu như người hâm mộ không nhìn thấy những biểu trưng riêng của đội tuyển như logo, slogan, bộ hình ảnh truyền thông chính thức (media kit). Đây chính là một trong những khó khăn rất lớn trong việc khai thác thương hiệu đội tuyển.

“Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác giá trị thương hiệu của đội tuyển thông qua việc bán quảng cáo, tài trợ, vé thi đấu và bản quyền truyền hình. Chưa khai thác các hình thức thương mại khác như vật phẩm quảng cáo, hợp tác thương hiệu hay các quyền truyền thông khác ngoài bản quyền truyền hình. Chính vì vậy chưa có một chiến lược xây dựng giá trị thương hiệu đội tuyển bài bản, chuyên nghiệp. Có thể lấy ví dụ, năm 2020, một game trực tuyến đã lấy hình ảnh của Bùi Tiến Dũng trong màu áo đội tuyển quốc gia để quảng cáo cho game. Báo chí và những nhà quản lý bóng đá tại thời điểm đó cũng chỉ xem việc vi phạm của nhãn hàng là vi phạm bản quyền truyền hình của AFC. Thực chất, cần phải nhìn nhận hình ảnh Bùi Tiến Dũng trong màu áo đội tuyển quốc gia chính là thương hiệu đội tuyển quốc gia và như vậy nhãn hàng đã lợi dụng thương hiệu đội tuyển quốc gia để trục lợi, xâm phạm thương quyền của đội tuyển quốc gia Việt Nam”, bà Chi nhấn mạnh.

Theo bà Chi, muốn xây dựng thương hiệu đội tuyển quốc gia thì cần phải có chiến lược xây dựng và khai thác thương hiệu đội tuyển quốc gia một cách chuyên nghiệp trong dài hạn và những kế hoạch trong ngắn hạn theo giai đoạn và theo các sự kiện. Muốn xây dựng chiến lược truyền thông cho đội tuyển quốc gia thì trước hết chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu như trang phục thi đấu, trang phục tập luyện, logo, slogan, linh vật. Tiếp đó là tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá để gắn kết người hâm mộ; tham gia vào các vấn đề xã hội để duy trì và phát huy hình ảnh thương hiệu; xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện truyền thông để tương tác với người hâm mộ.

Theo các chuyên gia, chúng ta cũng cần phải tạo ra sự khác biệt giữa đội tuyển bóng đá nam với các đội bóng khác trong nước. Đội tuyển phải duy trì, phát huy những thành tích đã đạt được trên các mặt là thành tích, sự đoàn kết, đạo đức, phẩm chất nhân cách, tạo ra những giá trị vô hình, hữu hình luôn có trong tâm trí khán giả, người hâm mộ; từng bước tạo niềm tin với người hâm mộ thông qua thành tích đạt được ở các giải đấu trong nước và quốc tế, chinh phục khán giả bằng tài năng của HLV, VĐV, sự đoàn kết, phẩm chất, nhân cách đạo đức và tri thức…

 THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top